Việt Nam có 23 triệu người mua sắm thường xuyên trên mạng

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là trao đổi của bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khách hàng Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam trong Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum - VOBF), diễn ra vào sáng nay (14/3) tại Hà Nội.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), đây là sự kiện thường niên và VOBF 2018 được diễn ra tại Hà Nội ngày 14/3 và TP Hồ Chí Minh ngày 16/3.
Toàn cảnh Diễn đàn thương mại điện tử năm 2018.
Theo đánh giá của VECOM, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 là 35%.

Khảo sát gián tiếp qua một số DN chuyển phát cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200% trong năm qua. Đối với lĩnh vực thanh toán, cập nhập số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75% so với năm trước. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết (afiliate marketing) có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100 - 200% so với năm trước.

Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương: Sau 20 năm internet phát triển tại Việt Nam, đến nay thương mại điện tử trên cả nước đang có tốc độ phát triển rất nhanh, hiện diện hàng ngày, càng ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống không chỉ DN mà còn cả người dân, cả ở TP đến vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh.
Tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam năm nay không chỉ để các DN, cá nhân hiểu được sự phát triển của thương mại điện tử trong điều kiện công nghệ 4.0 mà tại Diễn đàn này thu hút sự tham gia của nhiều diễn giả là các chuyên gia có uy tín, nhà lãnh đạo DN bán lẻ hàng đầu thế giới và trong nước chia sẻ những kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử; những cơ hội của DN Việt Nam tham gia vào thương mại điện tử.
Khách hàng tiếp cận các tài liệu về bán hàng trực tuyến trên Zalo giới thiệu tại Diễn đàn thương mại điện tử.
Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử 2018, cũng là cầu nối để các tổ chức, DN và cá nhân trao đổi về những xu hướng mới trong kinh doanh trực tuyến, các công nghệ nổi bật và ý tưởng kinh doanh sáng tạo.

Diễn đàn còn là nơi các chuyên gia hàng đầu, DN công nghệ, đơn vị chuyển phát, kênh phân phối hàng hóa… giới thiệu đến công chúng, bạn hàng những nghiên cứu thị trường mới liên quan tới thương mại điện tử, những giải pháp hỗ trợ bán hàng online, offline trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, từ đó giúp các DN, cá nhân thay đổi, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Diễn đàn có 4 phiên thảo luận, với 4 chủ đề nổi bật, gồm: “Thời đại kết nối và chia sẻ thông tin”, tại đây các diễn giả và lãnh đạo DN sẽ thảo luận về xu hướng phát triển của thương mại điện tử năm 2018, khả năng và những động lực mới; “Những vấn đề nổi bật trong kinh doanh trực tuyến”, các đại biểu thảo luận về các vấn đề được đông đảo các cơ quan, tổ chức và DN kinh doanh trực tuyến quan tâm, bao gồm vấn đề quản lý thuế đối với thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, công nghệ blockchain và tiền số (digital currency), an toàn thông tin và bảo vệ thông tin cá nhân…; “Tác động của công nghệ số tới thương mại điện tử”, tại đây các chuyên gia thảo luận tập trung vào việc nhận diện tác động sâu sắc của các công nghệ tới hoạt động kinh doanh của DN; “Khởi nghiệp thành công với thương mại điện tử”, tại đây các doanh nhân trẻ trao đổi xoay quanh những tương đồng và khác biệt của khởi nghiệp trong lĩnh vực trực tuyến với lĩnh vực khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần