Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam có khoảng 360 mạng xã hội

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), hiện có khoảng 360 mạng xã hội của tổ chức, DN trong nước được cấp giấy phép và đang hoạt động.

Trong số các mạng xã hội cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, Facebook, YouTube, Facebook Messenger, Zalo, Google+ là những trang có số lượng người sử dụng đông đảo nhất.
Việt Nam có tới 360 mạng xã hội. Ảnh minh họa.

Theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, hầu hết các nhà cung cấp mạng xã hội của Việt Nam hoạt động theo dạng diễn đàn, không được ưa chuộng so với các trang mạng xã hội nước ngoài có nhiều ứng dụng nổi trội hơn hẳn nhờ cấu trúc mạng xã hội phong phú, giao diện thu hút, khả năng tương tác và liên kết cộng đồng cao.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia internet cũng nhận định các mạng xã hội Việt Nam tuy nhiều nhưng kém bản sắc, thiếu sáng tạo. Không ít dịch vụ được xây dựng từ sự bắt chước giao diện, tính năng của Facebook.

Ngoài ra, tương tự Yahoo 360 trước đây, việc thay đổi thói quen sử dụng của người dùng internet rất khó. Họ đã quen thiết lập mối quan hệ, cập nhật và chia sẻ thông tin, mua sắm trên Facebook, xem video trên YouTube, đăng ảnh trên Instagram... nên lôi kéo họ sang một nền tảng nội địa không hề dễ dàng.

Việt Nam có khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 57% dân số, trong đó, số lượng người sử dụng mạng xã hội qua di động xấp xỉ 50 triệu người. Chủ yếu tập trung sử dụng các mạng xã hội lớn như đã nói là Facebook, YouTube, Zalo,…

Thời lượng sử dụng internet và mạng xã hội trong một ngày của người Việt Nam tương ứng 7 giờ và 2,5 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ 61% và 59%.