Sau khi Washington và Bắc Kinh liên tiếp có các tuyên bố áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa của nhau, khả năng xảy ra chiến tranh thương mại ngày một leo thang. Điều đáng quan ngại là khi hai ông lớn va chạm, các nền kinh tế khác cũng không thể “lành lặn”.
Đơn cử, nhiều mặt hàng xuất xứ từ các nước Châu Á-Thái Bình Dương đều phụ thuộc vào việc bán phụ tùng và nguyên liệu để phục vụ cho cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc như hàng điện tử của Nhật hay quặng sắt của Australia…
30% hàng xuất khẩu của Australia là bán sang Trung Quốc, trong đó có khoảng 700 triệu tấn quặng sắt và than cốc, hai nguyên liệu chính để sản xuất thép. Khi mặt hàng thép từ Trung Quốc nhập vào Mỹ bị áp thuế nặng, việc mua nguyên liệu từ Australia cũng sẽ bị tác động.
Vì vậy, khi Mỹ và Trung Quốc ngấp nghé bờ vực chiến tranh thương, các quốc gia trong khu vực đều lo ngại nền kinh tế của họ sẽ bị ảnh hưởng. GS Shujiro Urata, Đại học Waseda, Tokyo và cựu kinh tế gia tại Ngân hàng Thế giới, nói rằng không chỉ các nước tham chiến bị thiệt hại, mà cả các nước khác.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, điều này lại mang đến cơ hội cho các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Theo nhận định của Alexander Feldman, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, các công ty đa quốc gia có thể sẽ tìm cách phòng ngừa rủi ro bằng cách giảm hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, và Đông Nam Á sẽ là điểm đến hợp lý.
Tờ Bloomberg dẫn ra một trong những ví dụ đó là việc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Hàn Quốc đang đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam. Trong chuyến thăm vừa quan của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đã có 18 biên bản ghi nhớ được kí kết giữa hai nước.
Hàn Quốc đang muốn mở rộng giao thương với Đông Nam Á để các công ty lớn như Samsung có thể mở rộng các cơ sở sản xuất và thị trường xuất khẩu. Những căng thẳng kéo dài giữa Bắc Kinh và Seoul về vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) từng khiến quan hệ kinh tế 2 nước gặp khó khăn và gần đây là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc càng làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Một số công ty Hàn Quốc như Lotte, E-mart đã rút bớt khỏi thị trường Trung Quốc để đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.
Kết quả là giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc tới Việt Nam đã tăng gần 50% chỉ trong năm 2017. Việt Nam dự kiến sẽ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc vào năm 2020.Ông Kim Ill-san, giám đốc của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh cho biết, từ lâu Việt Nam đã là điểm đến của nhiều công ty Hàn Quốc. Theo ông Kim Ill-san, hàng hóa Hàn Quốc xuất khẩu tới Việt Nam hầu hết là hàng trung gian và vật liệu sản xuất, nhưng khi kinh tế Việt Nam phát triển, sẽ có thể có nhiều mặt hàng tiêu dùng hơn.
Trong khi đó, ông Kwak Sungil - Giám đốc Viện chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc cho rằng, mặc dù Việt Nam không thể hoàn toàn thay thế Mỹ và Trung Quốc, nhưng lại là một thị trường tốt để bổ sung cho sự căng thẳng thương mại giữa hai nước đó, đặc biệt là nếu tình hình căng thẳng này leo thang hơn nữa.