Việt Nam đang là "bàn đạp" xuất khẩu của DN FDI

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tượng các DN đầu tư nước ngoài (FDI) sử dụng nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam để xuất khẩu ra các thị trường lớn càng gia tăng mạnh khi triển vọng ký kết các Hiệp định thương mại của nước ta rõ nét hơn.

Nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ cũng như đón đầu cơ hội mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại, nhiều DN nước ngoài đã và đang dùng Việt Nam để làm "bàn đạp" nhằm tiến vào các thị trường lớn trong khối TPP. Điều này có thể thấy rõ nét nhất khi thời gian gần đây, hàng loạt thương hiệu quốc tế đang từng bước chuyển dịch hoặc mở thêm cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Có thể kể đến như HanesBrands, ngay trong năm 2014, toàn bộ các cơ sở sản xuất của thương hiệu may mặc nổi tiếng đến từ nước Mỹ này đều được quy tụ tại Việt Nam ở Hưng Yên và Huế. Hay như Tập đoàn nông nghiệp Mỹ, Cargill, trong năm 2015 đã mở thêm nhà máy thứ 12 tại Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư lên 180 triệu USD. Ngoài ra còn có hàng loạt các tên tuổi khác trong ngành gia dày như Pou Chen, Feng Tay ... cũng đang từng bước chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam kể từ vài năm trước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: hiện tượng các DN FDI tranh thủ nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam để làm bàn đạp vào các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới không phải là mới
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Hiện tượng các DN FDI tranh thủ nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam để làm bàn đạp vào các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới không phải là mới
Mặc dù làn sóng FDI (đầu tư nước ngoài) dạng này mang lại nhiều lợi ích như gia tăng số lượng việc làm, đặc biệt là xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Nhưng ở chiều hướng ngược lại cũng gây ra nhiều lo ngại khi Việt Nam đang đóng vai trò xuất khẩu “hộ” với phần lợi nhuận từ một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực còn lại ít.

Cũng chính từ đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng không ít lần đề cập tới việc đã tới lúc Việt Nam nên có các chính sách phù hợp nhằm “mượn” nguồn vốn đầu tư trên để phát triển kinh tế trong nước. Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, với mỗi dự án FDI vào Việt Nam cần xem xét chặt chẽ đâu là ích lợi, đâu là tác hại chứ không thể cứ thu hút tất. Đặc biệt, việc các DN FDI né chuyển giao công nghệ là khá phổ biến, chính vì vậy cần phải có những giải pháp để ràng buộc họ, nếu thực hiện tốt sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực sản xuất của các DN Việt Nam.

Nói về những vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải thừa nhận hiện tượng các DN FDI tranh thủ nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam để làm bàn đạp vào các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới không phải là mới. Điều này bắt nguồn từ chính sách thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam từ trước đến nay vẫn phụ thuộc vào yếu tố "nhân công giá rẻ". Tới khi triển vọng ký kết các Hiệp định rõ nét hơn, sự tận dụng trên mới rõ nét hơn.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng, Việt Nam cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ việc gia tăng đầu tư của các DN nước ngoài. Đầu tiên có thể kể đến đây chính là cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ mà trong nhiều năm qua Việt Nam chưa làm được do việc đầu tư  đòi hỏi nguồn vốn lớn cùng công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực: Dệt may, da giày, cơ khí, ô tô…Qua đó tiến tới giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu và hạ giá thành sản phẩm.

Về phía các DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư quốc tế để mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất và trong chừng mực nào đó tiếp cận công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, sản xuất từ các nước tiên tiến. Ở chiều ngược lại, dưới sức ép cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh toàn cầu hoá và tham gia các hiệp định FTA, DN buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại nếu không sẽ bị bật khỏi thị trường, Thứ trưởng phân tích.

Tuy nhiên, để việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mang lại hiệu quả cao, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế đất nước, cần phải có những chính sách phù hợp. Do đó, tùy từng giai đoạn phát triển, Việt Nam sẽ có các chính sách khuyến khích đầu tư theo hướng có chọn lọc và phù hợp vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, Thứ trưởng Hải kết lại.

 
Trong những năm qua, xuất khẩu của khu vực FDI luôn là một trong những điểm nhấn chính của nền kinh tế Việt Nam với tỷ trọng có xu hướng ngày càng tăng. Nếu như năm 2010, khu vực FDI xuất khẩu 34 tỷ USD, chiếm là 47,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước thì tới năm 2015, con số này đã lần lượt là 110,59 tỷ USD và 68,2%.