Tạo nền tảng quan trọng
Đã có hơn 200 cuộc họp được diễn ra trong khuôn khổ làm việc của APEC. Trong 10 ngày diễn ra Hội nghị SOM 3, có gần 80 cuộc họp liên quan đến nhiều lĩnh vực hợp tác của APEC được tổ chức.
“Khối lượng công việc cần chuẩn bị không hề nhỏ. Nhưng tôi tự tin khẳng định rằng với sự kết hợp của trí tuệ, sự cần cù, chăm chỉ và quyết tâm sẽ giúp cuộc họp lần này gặt hái được nhiều thành công, đồng thời tạo một nền tảng quan trọng cho một Tuần lễ cấp cao thành công”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Trưởng SOM Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Đỗ Hùng Việt - Trợ lý Chủ tịch SOM APEC Việt Nam 2017 cho biết, trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị SOM 3, các quan chức cao cấp APEC đã nghe báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Thương mại Đầu tư (CTI). Ủy ban đã thông qua và đề xuất với các quan chức cao cấp nhất trí thông qua 2 văn kiện quan trọng là khuôn khổ về thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới mà Việt Nam chủ trì thúc đẩy suốt thời gian qua cũng như bộ thông lệ điển hình về hỗ trợ phát triển công nghiệp các nền kinh tế thành viên APEC.
Việt Nam đang làm tốt vai trò chủ nhà
Qua 3 kỳ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC tại Nha Trang, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, công tác tổ chức của Việt Nam cho các Hội nghị đã được nhiều đại biểu quốc tế đánh giá cao.
Trưởng SOM Nga Valery Sorokin cho rằng, Việt Nam đang làm rất tốt vai trò chủ nhà của Năm APEC Việt Nam 2017.
Phó Cục trưởng Cục các vấn đề kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Nhật Bản Tsutomu Koizumi nhận định, Việt Nam được đánh giá cao trong nỗ lực thực hiện trọng trách của nền kinh tế đóng vai trò chủ trì hội nghị quốc tế của APEC.
“Việt Nam đảm nhận vai trò tiên phong trên nhiều lĩnh vực cơ bản của các vấn đề chính mà APEC đang đối mặt ngày nay. Ví dụ, Khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) là sáng kiến được đề xuất vào năm 2006, thời điểm Việt Nam đảm nhận vai trò nền kinh tế chủ nhà tại Hội nghị cấp cao APEC 2006”, ông Koizumi cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Tsutomu Koizumi, những đề xuất của Việt Nam tại các Hội nghị vừa qua khá toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực từ tài chính, kinh tế, xã hội cho đến đào tạo nguồn nhân lực, thương mại điện tử. Mặt khác,Việt Nam cũng đóng vai trò là nền kinh tế chủ trì thảo luận chủ đề hướng đến Mục tiêu Bogor 2020.