Ông Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên nhân dịp kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2/9. Theo ông, vận hội lớn nhất chúng ta cần nắm lấy để từng bước đưa Việt Nam tiến lên như kỳ vọng đến từ chính chúng ta, từ những nhân tố chủ quan của chúng ta.
Vượt qua chông gai, xây xựng vị thế
PV: 72 năm sau ngày đất nước tuyên bố độc lập, để nói về những thành tựu cũng như vị thế của Việt Nam, ông sẽ nói về điều gì?
Ông Phan Diễn: Những biến chuyển, đổi thay của đất nước và cuộc sống của nhân dân ta trong 72 năm qua là rất lớn. Hôm nay so với trước ngày độc lập đó là một trời một vực. 72 năm trước, cái tên Việt Nam gần như bị xóa trên bản đồ thế giới. Người ta biết đến Việt Nam như một xứ Đông Dương thuộc địa, bị chủ nghĩa thực dân đô hộ; độc lập, chủ quyền, tự do, dân chủ đều mất hết. Người dân sống cuộc đời lầm than, tủi nhục.
Ngày nay, Việt Nam được cả thế giới biết đến với tư cách một dân tộc anh hùng, kiên cường cả trong công cuộc bảo vệ cũng như xây dựng đất nước. Việt Nam đã thoát ra khỏi danh sách của những nước nghèo, đứng vào hàng phát triển trung bình của thế giới (tuy mới là trung bình thấp), cuộc sống của nhân dân có sự cải thiện rõ rệt, và quan trọng hơn cả là Việt Nam đã bước lên con đường để trở thành một nước phát triển, văn minh, hiện đại. Đây là xu thế không thể đảo ngược.Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thế giới, vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, thúc đẩy tiến bộ xã hội cũng như phát triển tình hữu nghị và sự hợp tác giữa các dân tộc, quốc gia trên thế giới. Cái tên Việt Nam được nhắc đến ở ASEAN, Liên Hợp Quốc với thái độ tôn trọng, kính nể.
PV: Và Việt Nam cũng đã kiên cường vượt qua những khó khăn, thách thức ở những thời điểm vô cùng cam go, thưa ông?
Ông Phan Diễn: Để có những thành tựu, chúng ta đã phải vượt qua rất nhiều thử thách, trong đó có những thử thách vô cùng cam go, ác liệt. Đó là những khó khăn, đe dọa khi đất nước vừa mới giành được độc lập, chính quyền cách mạng còn non trẻ, ngân khố nước nhà gần như trống rỗng, nhân dân vừa trải qua nạn đòi khủng khiếp thì chúng ta lại phải đương đầu với cuộc xâm lăng lần thứ hai của thực dân Pháp. Nhưng rồi chúng ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Tiếp theo đó, chúng ta lại trải qua thời khắc vô cùng hiểm nghèo đối với nền độc lập thống nhất và chủ quyền của đất nước khi phải đối đầu với hơn nửa triệu quân Mỹ ồ ạt kéo vào miền Nam và ném bom ra miền Bắc.
Trước khi nhận thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược này, họ còn tiến hành đòn thâm độc, tàn ác ném bom rải thảm bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng rồi cuối cùng chúng ta đã vượt qua tất cả, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tưởng rằng chúng ta sẽ có một cuộc sống êm ả, xây dựng đất nước trong hòa bình, nhưng rồi chẳng bao lâu sau, đất nước tiếp tục phải đương đầu với 2 cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Vào cuối những năm 80, do hậu quả của chiến tranh, bao vây cấm vận và cả những sai lầm chủ quan, đất nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng... Nhưng bằng công cuộc tự đổi mới, chúng ta đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội và tình trạng bị cô lập, bao vây để đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Những năm gần đây, chúng ta cũng gặp phải những thách thức không nhỏ. Đó là những bất ổn, tranh chấp trên Biển Đông, đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Cùng lúc đó đã có những sai lầm trong công cuộc xây dựng đất nước, để xảy ra nhiều bất ổn trong kinh tế vĩ mô (nợ công cao, nợ xấu cao, bội chi ngân sách lớn, thâm hụt ngân sách nặng nề…), để phát triển tình trạng suy thoái, tha hóa, tham nhũng, xa dân trong nhiều cán bộ của Đảng, Nhà nước và cả nhiều tệ nạn, hư hỏng trong xã hội.
Những thách thức nói trên có vẻ không khốc liệt như nhiều thời khắc chúng ta đã trải qua những lần trước, nhưng cũng tiềm ẩn những mối đe dọa khôn lường. Lịch sử đã ghi nhận, qua mỗi lần đối mặt với thử thách, nhân dân ta lại đứng dậy mạnh mẽ, vượt qua khó khăn để giành những thắng lợi mới. Và lần này cũng vậy, tôi tin rằng, một lần nữa chúng ta sẽ nhìn thẳng vào sự thật để dũng cảm sửa những sai lầm, vượt qua những khó khăn, để chuyển biến tình hình, tiếp tục thực hiện thành công công cuộc đổi mới, sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước.
Hai bài học sống còn
PV: Vào các dịp lễ lớn của đất nước chúng ta thường nhìn lại lịch sử để rút ra các bài học. Bài học đó đối với đất nước ta thời điểm này là gì, thưa ông?
Ông Phan Diễn: Tôi vừa có chuyến thăm Nga và cảm nhận ở nước Nga hôm nay, những dấu ấn của cuộc cách mạng tháng Mười, của chính quyền Xô Viết, của CNXH không còn nhiều.
Một lần nữa trong chúng tôi lại day dứt câu hỏi lớn: Vì sao một cuộc cách mạng long trời lở đất như Cách mạng tháng Mười, một Đảng Cộng sản kiên cường, hùng mạnh như Đảng Cộng sản Liên Xô, một chế độ xã hội đã làm nên nhiều kỳ tích như thế trong công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước vậy mà tất cả đã sụp đổ nhanh chóng, và dường như xã hội cũng nhanh chóng quên đi và quay mặt với quá khứ?
Cá nhân tôi nghĩ rằng có hai nguyên nhân chủ quan lớn nhất đã dẫn đến tình hình trên. Một là, Liên Xô đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng, kéo dài về quan điểm, đường lối, chính sách, chủ trương xây dựng CNXH, xây dựng đất nước, cả trong phát triển kinh tế cũng như xây dựng kiến trúc thượng tầng, đã làm nhiều điều chủ quan, duy ý chí, trái với quy luật khách quan, trái với yêu cầu của cuộc sống, khiến cho đất nước dần dần phát triển không bền vững, trở nên trì trệ, tụt hậu…
Hai là, Đảng Cộng sản Liên Xô đã thất bại trong công cuộc xây dựng Đảng, trong cương vị là Đảng cầm quyền đã để Đảng dần dần tha hóa, hư hỏng, ngày càng xa dân và mất đi sự tín nhiệm, yêu mến của người dân. Chính vì những điều đó, khi Đảng và chế độ bị tấn công, xã hội đã khoanh tay đứng nhìn, không còn đứng ra bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ…
Tôi nghĩ đó là hai bài học sống còn, đắt giá của lịch sử. Việt Nam ta quyết không được để mắc phải sai lầm ấy, không được để mình dẫm vào những “vết xe” lịch sử.
“Tôi rất mừng khi thấy Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới”
PV: Có quan điểm cho rằng cái khó chủ yếu do nội tại của chúng ta, nên không thể chờ đợi gì ngoài việc tự thay đổi. Theo ông, chúng ta nên hiểu quan điểm này như thế nào cho đúng?
Ông Phan Diễn: Công cuộc đổi mới toàn diện được bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng đã “cứu” chế độ ta và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đưa nước ta đi lên con đường phát triển và hội nhập. Nhưng những thiếu sót, sai lầm chúng ta đã mắc phải và những thách thức đất nước đang phải đối mặt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng; tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường không cho phép chúng ta được chút nào thỏa mãn, sa sút ý chí. Chỉ có tiếp tục đổi mới sâu rộng cả nhận thức, hành động, không ngừng hoàn thiện đường lối, thể chế cũng như tổ chức bộ máy thực hiện, chúng ta mới mong tiếp tục vượt qua được khó khăn để tiếp tục đi tới.
Tôi vui mừng nhận thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII này đã có nhiều quyết định, lời nói, việc làm thể hiện quyết tâm chính trị ấy. Đặc biệt, những bước tiến mới trong công cuộc đấu tranh chống những hiện tượng tha hóa, tham nhũng, suy thoái, vi phạm pháp luật… của cán bộ Đảng, Nhà nước với tinh thần kiên quyết, không nể nang, tránh né, không có vùng cấm, cũng như những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ trong việc “cởi trói” cho kinh tế tư nhân… đã đem lại niềm tin, hy vọng và sự đồng tình của xã hội.
Dù cho tất cả vẫn chỉ mới là bước đầu, con đường phía trước chúng ta còn dài và nhiều thách thức, chúng ta còn phải phấn đấu, hành động rất nhiều để biến lời nói, nghị quyết thành hiện thực. Những chuyển động ban đầu ấy đã tiếp thêm sức chiến đấu cho chúng ta, cho tất cả những nhân tố tích cực trong Đảng, Nhà nước và trong toàn xã hội.Tôi hy vọng, câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được chứng thực trong tất cả các lĩnh vực “lò đã nóng lên, giờ đã đến lúc củi tươi cũng phải cháy”.
PV: Chúng ta vẫn hay nói Việt Nam đang đứng trước vận hội mới bên cạnh thách thức. Theo ông, đâu là vận hội mà chúng ta cần tập trung nắm lấy để từng bước đưa Việt Nam tiến lên như kỳ vọng?
Ông Phan Diễn: Vận hội lớn nhất đến từ chính chúng ta, từ những nhân tố chủ quan của chúng ta. Tôi cảm nhận lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng có sự thống nhất cao về quan điểm, đường lối, chính sách; kiên quyết đưa đường lối chính sách ấy vào thực tiễn; làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước; cởi trói cho những tiềm năng trong xã hội được bung ra, được khai thác, phát huy. Sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước chính là vận hội quan trọng nhất đối với đất nước, tạo cơ sở để phát triển kinh tế, xã hội một cách hiệu quả.
Vận hội thứ hai chính là việc chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cũng như các hoạt động của quốc tế. Điều này sẽ mang đến cho chúng ta những cơ hội để tiếp nhận công nghệ, kinh nghiệm cũng như nguồn vốn từ bên ngoài; Chúng ta sẽ có thêm điều kiện để chọn lựa cơ cấu kinh tế phát huy được thế mạnh, nâng cao hiệu quả. Mặt khác, chúng ta có cơ hội để đóng góp một cách xây dựng, hiệu quả vào việc xử lý các vấn đề nảy sinh trên thế giới và trong khu vực để giữ được hòa bình, ổn định.
Tuy nhiên, chúng ta tận dụng thời cơ được đến đâu trước hết còn tùy thuộc vào việc chúng ta phải nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế đồng thời phải có những xử lý khôn khéo, uyển chuyển trong các mối quan hệ quốc tế.
PV: Trân trọng cảm ơn ông./.