Quá trình triển khai 5G
Hiện 5G tại Việt Nam vẫn đang được các nhà mạng Viettel, VNPT, Mobifone thử nghiệm tại 40 tỉnh, thành. Hầu hết các nền tảng cơ bản của công nghệ mạng mới đã được triển khai như: Thử nghiệm ở các băng tần số khác nhau từ băng tần thấp đến băng tần trung và cả băng tần mmWave, thử nghiệm mô hình SA/NSA; thử nghiệm kỹ thuật, thương mại dịch vụ 5G.
Thời gian thử nghiệm 2 năm qua cho thấy, Việt Nam đã tham gia tiếp cận vào 5G rất sớm cả từ phương diện quản lý nhà nước đến triển khai mạng lưới, cung cấp dịch vụ.
Phần lớn các mạng 5G trên thế giới đang triển khai theo mô hình "5G phụ thuộc” (5G NSA - Non StandAlone) và mạng lõi sẵn có của mạng 4G. Ưu điểm của mô hình này là giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai.
Tuy nhiên, mô hình này chưa giải quyết được yêu cầu độ trễ cực thấp và đáp ứng số lượng kết nối, đồng thời cực lớn trong cùng một phạm vi. Thị trường của mô hình 5G NSA là điện thoại di động và máy tính bảng nên không phải là mô hình để hướng đến mục tiêu lâu dài. Mô hình thứ hai là “5G độc lập” (5G SA - StandAlone).
Đây được coi là mô hình 5G thực thụ, tách bạch hoàn toàn hệ với hệ thống mạng 4G. Mô hình này đã có hơn 110 nhà mạng tại 52 quốc gia/ vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư triển khai, trong đó khoảng 29 nhà mạng tại 18 quốc gia/ vùng lãnh thổ đã cung cấp dịch vụ.
Có 5 nhà mạng đã triển khai nhưng chưa cung cấp hoặc chỉ mới cung cấp thử nghiệm và 25 nhà mạng đang triển khai hoặc thí điểm.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết: "Ngay cả những nước phát triển nhất về viễn thông trên thế giới vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình thương mại hóa 5G. Một số nước đầu tư cho triển khai 5G như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha…, nhưng chưa có nước nào đạt được vùng phủ sóng 5G tuyệt đối cho toàn bộ dân số. Việt Nam đã bắt đầu sớm, nếu như có tiến trình phù hợp thì sẽ sớm thu được kết quả trong lĩnh vực này".
Nhà mạng cần lựa chọn hướng đi phù hợp
Ngoài việc lựa chọn mô hình 5G NSA hay 5G SA, thì tần số cho 5G cũng là vấn đề ảnh hưởng đến lộ trình thương mại hóa 5G. Ngày 21/2 vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400MHz cho hệ thống thông tin di động 4G và 5G theo tiêu chuẩn IMT.
Theo đó, DN tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400 MHz có thể triển khai mạng và dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ IMT-Advanced (4G) hoặc IMT-2020 (5G). DN tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400 MHz theo nguyên tắc triển khai công nghệ nào (căn cứ hồ sơ đề nghị xét duyệt đủ điều kiện tham gia đấu giá) sẽ áp dụng yêu cầu triển khai mạng viễn thông với công nghệ tương ứng (IMT-Advanced/ IMT-2020). Nếu thuận lợi, cuối năm 2023 có thể hoàn thành đấu giá để nhà mạng khai thác dải tần cho 5G.
Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, ông Ngô Diên Hy, VNPT hướng tới việc áp dụng 5G cung cấp dịch vụ chuyên biệt cho một khu công nghiệp, một nhà máy, một cảng biển với những yêu cầu khác biệt về tốc độ, mật độ thiết bị, độ trễ… Cũng đã có nhiều DN có nhu cầu và muốn thử nghiệm đang phối hợp cùng nhà mạng. Tuy nhiên, để triển khai trên quy mô lớn cần có sự phát triển đồng đều ở cả phía cơ quan quản lý, nhà cung cấp, người dùng, DN và thiết bị đầu cuối.
Tương tự, Viettel đã có kế hoạch đầu tư xây dựng khoảng 5.000 trạm BTS 5G trong năm 2023 và làm chủ toàn bộ hệ thống mạng 5G từ trạm thu phát vô tuyến, thiết bị truyền dẫn và mạng lõi để phát triển mạng lưới 5G của riêng mình.
Mới đây, Viettel đã hoàn thành chế tạo khối thu phát vô tuyến trạm 5G sử dụng chipset QRU100 5G RAN của Qualcomm. Đây là bước đột phá, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông do có khả năng giảm giá thành, xóa bỏ sự lệ thuộc vào chipset độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác. Tiếp đó, Viettel sẽ hoàn thiện thiết bị 5G (64 phát, 64 thu) để phục vụ các nhà mạng phát sóng vào những khu vực có nhiều nhà cao tầng cần phủ cao và sâu.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc MobiFone Tô Mạnh Cường cho biết: Với quan điểm triển khai theo nhu cầu thị trường, MobiFone sẽ thương mại hóa, triển khai 5G ở những vùng có lưu lượng cao, nhu cầu lớn.
Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, Việt Nam sẽ thương mại hóa mạng 5G bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất. Qua đó, nâng cao năng lực tự chủ và phát triển công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào những nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.
Như vậy, dựa vào nghiên cứu nhu cầu người dùng, các nhà mạng đã chọn được mô hình phù hợp và có phương hướng triển khai cụ thể. Chắc chắn, với sự chuẩn bị kỹ càng, Việt Nam sẽ sớm thương mại hóa 5G ở diện rộng.