Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam: điểm đến lý tưởng cho ngành công nghiệp bán dẫn

Quỳnh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần chuyển dịch sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá có đầy đủ cơ hội trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu.

Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 nhận được nhiều chia sẻ về ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng.
Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 nhận được nhiều chia sẻ về ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng.

Hiện thực hóa chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn

Những năm vừa qua, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Năm 2023 tổng doanh thu ước đạt 529 tỷ USD. Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự phát triển vô cùng nhanh chóng của một số ngành: công nghiệp ô tô điện, công nghiệp viễn thông, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt đến 01 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Sự bùng nổ này tạo ra vận hội lớn cho nhiều quốc gia tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, mang đến thời cơ cho phép các quốc gia đang phát triển có cơ hội tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả phát triển ngành bán dẫn.

Thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đa dạng hoá nguồn cung với mô hình "X+1", không chỉ về sản xuất mà ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn. Các nước đã có công nghiệp bán dẫn, hoặc một phần của công nghiệp bán dẫn, đều muốn có thêm một cơ sở nữa ở nước khác để bảo đảm an toàn.

Trong khi đó, Việt Nam có quan hệ chiến lược tốt đẹp với hầu hết các cường quốc công nghiệp bán dẫn nên có thể là một trong ít nước "+1" này và có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn.

Quyết định 1018/QĐ-TTg ngày 21/09/2024 của Thủ tưởng Chính phủ về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được ban hành trong bối cảnh hiện nay mang ý nghĩa vô cùng to lớn với sứ mệnh kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu nhờ nhiều yếu tố quan trọng. Trong đó, phải kể đến những lợi thế đặc biệt về địa chính trị, là điểm đến an toàn và tiềm lực phát triển công nghiệp bán dẫn hàng đầu so với một số quốc gia trong khu vực.

Cụ thể, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và an ninh xã hội được đảm bảo, điều này mang lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động. Với mức độ an toàn cao, các rủi ro như bất ổn chính trị, khủng bố hay phá hoại tài sản nhà máy được giảm thiểu đáng kể, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đã đặt ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển công nghiệp bán dẫn, thông qua nhiều Nghị quyết ở cấp chính trị cao nhất với những chính sách đặc thù, cụ thể để ưu tiên phát triển cho công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Về chi phí sinh hoạt, giá lao động, giá điện, có thể thấy rõ, Việt Nam ở mức thấp hơn so với các quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Singapore. Cùng với đó, với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ về miễn thuế thu nhập, thuế đất, thuế xuất nhập khẩu… giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp bán dẫn, điện tử đầu tư tại Việt Nam.

Không những vậy, Việt Nam còn nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất; là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn.

Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những nước có số lượng FTA nhiều nhất trên thế giới và nhiều nhất trong khu vực với 13 FTA trong khi Singapore có 6 FTA và Malaysia chỉ có 7, thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu trong tăng trưởng thương mại toàn cầu , theo đó tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu các sản phẩm điện tử nói chung và vi mạch bán dẫn nói riêng.

Việt nam còn có lợi thế về tỷ lệ dân số trẻ, có năng lực về STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Chia sẻ tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024, diễn ra vào cuối năm 2024, tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI) Linda Tân nhận định, Việt Nam là trung tâm bán dẫn mới nổi trong khu vực. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Công nghiệp Bán dẫn: phân ngành quan trọng của Công nghiệp công nghệ số

Công nghiệp Bán dẫn là một phân ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số. Dự thảo Luật quy định Chương "Công nghiệp bán dẫn" thay cho "vi mạch bán dẫn" nhằm bảo đảm tính bao quát, tổng thể, đầy đủ các công đoạn của hoạt động công nghiệp bán dẫn, phù hợp với mục tiêu, đối tượng quản lý và đồng bộ với Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn. Dự thảo giao Chính phủ xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách riêng để phát triển trong từng thời kỳ.

Đây là một nội dung rất quan trọng trong bối cảnh công nghiệp bán dẫn trở thành ngành công nghiệp chủ chốt có vai trò ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế, xã hội; đồng thời nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư khi rất nhiều tập đoàn toàn cầu lớn bày tỏ quan tâm mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

Xác định rõ công nghiệp bán dẫn là một hoạt động quan trọng trong công nghiệp công nghệ số, dự thảo Luật đưa ra các quy định về nguyên tắc, phân loại hoạt động, cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên hơn cho phát triển công nghiệp bán dẫn.