Ngày 5/10, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) đã tổ chức cho các thành viên Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia, các đơn vị CNTT của các Bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương, các tỉnh, TP trên toàn quốc tham gia chương trình Diễn tập quốc tế ACID 2021.
Quang cảnh buổi diễn tập |
Được biết, ACID 2021 là chương trình diễn tập quốc tế thường niên của các CERT (tổ chức an ninh mạng) tại khu vực ASEAN và CERT các nước đối thoại gồm: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Australia. Năm nay là lần thứ 16 ACID được tổ chức.
Với lần thử 5 VNCERT/CC tổ chức triển khai cho các đơn vị trong nước, chương trình có phần diễn tập kỹ thuật chuyên sâu do Singapore chủ trì, bên cạnh đó là sự góp mặt của 250 cán bộ an toàn thông tin/CNTT của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Cán bộ kỹ thuật của Việt Nam chia theo 3 nhóm chính, gồm nhóm cán bộ kỹ thuật chủ chốt tham gia với quốc tế và triển khai trong nước, nhóm cán bộ hỗ trợ và nhóm các đội trong nước.
Có chủ đề diễn tập là "Ứng phó tấn công chuỗi cung ứng nhắm vào các tổ chức doanh nghiệp”, ACID 2021 xác định rõ đây là xu hướng tấn công hiện nay sau sự cố tấn công đình đám vào chuỗi cung ứng của nhà cung cấp hệ thống quản lý mạng SolarWinds vào cuối năm 2020, vào các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Quyền Giám đốc VNCERT/CC Nguyễn Đức Tuân cho rằng, tại Việt Nam, đã xảy ra một vài vụ tấn công vào chuỗi cung ứng như trên. Chuỗi cung ứng càng lớn, càng phức tạp thì nguy cơ bị tấn công càng cao. Những vụ tấn công có thể nhắm vào bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào, từ tài chính, ngân hàng, giao thông, công nghệ, chăm sóc sức khỏe, thậm chí cả những tổ chức chính phủ. Các cuộc tấn công vào chuỗi cung ứng thường rất nguy hiểm và không dễ đối phó.
Do đó, ACID 2021 là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng sẵn sàng trong việc xử lý các sự số không gian mạng đang tăng hiện nay. Các thành viên tham gia sẽ phải giải quyết các yêu cầu chưa biết từ ban tổ chức trong các tình huống, liên quan đến kỹ năng xử lý sự cố, điều tra, phân tích, giảm nhẹ thiệt hại và báo cáo, ông Nguyễn Đức Tuân nói.
Theo Ban tổ chức, bên cạnh phần tập dượt tình huống ứng phó cùng các đội quốc tế, các chuyên gia và thành viên trong nước sẽ có trao đổi và chia sẻ lại các tình huống, cách giải quyết nhằm giúp các thành viên nắm chắc hơn về cách thức xử lý cụ thể.
Đồng thời, lần diễn tập này cũng là cơ hội để các CERT của Việt Nam xác nhận đầu mối liên lạc với các CERT khác cả trong và ngoài nước nhằm tinh chỉnh quy trình ứng phó đối với những sự cố tấn công xuyên biên giới có thể xảy ra trong tương lai.