Việt Nam - Đối tác mạnh mẽ của Liên Hợp quốc vì hòa bình và phát triển bền vững

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

44 năm qua, Việt Nam đã "trưởng thành” từ thành viên tham dự để trở thành đối tác mạnh mẽ, tin cậy của Liên Hợp quốc vì hòa bình và phát triển bền vững.

Ngày 20/9/1977, Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) 

Từ ngày 21 đến 24/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76. Chuyến công tác diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam kỷ niệm 44 năm gia nhập tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh (20/9/1977-20/9/2021).
44 năm qua, Việt Nam đã "trưởng thành” từ thành viên tham dự để trở thành đối tác mạnh mẽ, tin cậy của Liên hợp quốc vì hòa bình và phát triển bền vững.
Điển hình của hợp tác phát triển
Sau 31 năm chờ đợi, qua bao thăng trầm của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, ngày 20/9/1977, đúng 9 giờ, tại tòa sảnh chính của Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Lễ thượng cờ Việt Nam được diễn ra theo nghi lễ gia nhập thành viên của Liên hợp quốc.
Đây là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ.
44 năm trôi qua, lịch sử mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc đã có một hành trình với đầy ắp, sâu đậm những dấu ấn của Liên hợp quốc đối với tiến trình phục hồi sau chiến tranh, rồi đi đến đổi mới, hội nhập sâu rộng, toàn diện với đời sống quốc tế của Việt Nam.
Những cái tên như UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc), UNDP (Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc), UNICEF (Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc), FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc), WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) hay UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc)... đã trở nên quen thuộc, thành một phần trong hồi ức của nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
Cùng với sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức trực thuộc hệ thống Liên hợp quốc, Việt Nam đã tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài để cùng nội lực bên trong chuyển mình mạnh mẽ từ một trong những quốc gia nghèo nàn, lạc hậu sau chiến tranh trở thành quốc gia thu nhập trung bình và đang hướng đến mục tiêu năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Có thể lấy ví dụ về mức viện trợ của Liên hợp quốc đối với Việt Nam qua từng giai đoạn để thấy sự phát triển của Việt Nam từ quốc gia nhận viện trợ sang đối tác có trách nhiệm của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Trong giai đoạn 1977-1986, khi Việt Nam vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu và từng bước khôi phục sản xuất, Liên hợp quốc đã tích cực giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn nhiều mặt với tổng viện trợ đạt hơn 500 triệu USD.
Sang đến, giai đoạn 1986-1996, Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới. Cho tới cuối những năm 1980, viện trợ của Liên hợp quốc chiếm tới gần 60% tổng số viện trợ cho Việt Nam ngoài nguồn từ các nước xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, viện trợ không hoàn lại của Liên hợp quốc cho Việt Nam đạt trên 630 triệu USD.
Từ 1997 đến nay, Liên hợp quốc chuyển dần trọng tâm hỗ trợ kỹ thuật, tài chính sang hỗ trợ các biện pháp cải cách về chính sách và thể chế đối với Việt Nam, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trong những quốc gia hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc. Kế hoạch Chiến lược chung giữa Việt Nam và Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021 (Chương trình hợp tác giữa hai bên trong khuôn khổ Sáng kiến Một Liên hợp quốc) được ký vào ngày 5/7/2017.

Chương trình này tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), bao gồm 4 lĩnh vực ưu tiên: đầu tư vào con người; đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển môi trường bền vững; thúc đẩy sự thịnh vượng và quan hệ đối tác; tăng cường công lý, hòa bình và quản trị toàn diện.
Qua các chương trình hỗ trợ phát triển, đến nay, Việt Nam là một trong những nước nghiêm túc thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, nhất là các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, lồng ghép các mục tiêu đó vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, hài hòa với các khuôn khổ hợp tác ký kết với Liên hợp quốc theo từng giai đoạn.

Ngày 25/9/2009, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Khóa họp 64 Đại hội đồng Liên hợp quốc với chủ đề 'Không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân'. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN) 

Trong 17 mục tiêu tổng quát, 169 mục tiêu cụ thể của Chương trình Nghị sự, Việt Nam đã quốc gia hóa thành 17 mục tiêu tổng quát và 115 mục tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện với bối cảnh phát triển của Việt Nam.
Việt Nam áp dụng cách tiếp cận nghèo đa chiều năm 2015 trong xây dựng chuẩn nghèo quốc gia nhằm nắm bắt bản chất đa diện của nghèo đói trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt trong nỗ lực tình trạng giảm nghèo đói và dễ bị tổn thương. Tỷ lệ nghèo thu nhập giảm một nửa trong giai đoạn 1993-2002 và tỷ lệ nghèo đa chiều còn 6,8% vào năm 2018.
Việt Nam đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, cam kết thực hiện Khung giảm thiểu rủi ro thiên tai 2015-2030 và đang thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (GHG) 8% vào năm 2030, hoặc giảm 25% với sự hỗ trợ quốc tế.
Với những thành tựu trong 44 năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc đã trở thành một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Việt Nam trưởng thành trong Liên hợp quốc
Xác định Liên hợp quốc là diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới, đồng thời luôn coi trọng và mong muốn phát huy quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc, Việt Nam ngày càng tích cực, chủ động gia nhập và có những đóng góp thực chất, hiệu quả đối với các thể chế của tổ chức này.
Việt Nam đã và đang đảm nhiệm hai lần vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009; 2020-2021). Việc Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm được bầu làm thành viên cơ quan có vai trò hàng đầu của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam đổi mới, hội nhập, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới.
Trên cơ quan điểm đối ngoại chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” đến “tham gia định hình luật chơi”, Việt Nam đã tích cực ứng cử, tham gia một cách thực chất hơn vào các cơ quan chấp hành của các tổ chức phát triển lớn của Liên hợp quốc, từng bước tham gia vào các vị trí điều hành của các cơ quan này, như giữ chức Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1997, Chủ tịch Đại hội đồng FAO, Phó Chủ tịch Hội đồng Chấp hành tổ chức Chương trình Phát triển Liên hợp quốc/Quỹ Dân số Liên hợp quốc...
Những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của Liên hợp quốc như: Hội đồng Kinh tế và Xã hội (1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021)...
Việt Nam tham gia với tư cách là một trong những nước tích cực nhất trong việc giữ vững môi trường quốc tế hòa bình, cùng thế giới chung tay đối phó với những thách thức quy mô toàn cầu. Tháng 6/2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý tuyên thệ trước Hiến chương Liên hợp quốc tại Lễ thượng cờ của 5 nước ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, bao gồm Estonia, Niger, Saint Vincent & Grenadines, Tunisia và Việt Nam. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN) 

Tính đến tháng 8/2021, Việt Nam đã cử 245 lượt cán bộ, nhân viên quân đội đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Trụ sở Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân, đơn vị. Bên cạnh đó, đến nay, Việt Nam đã cử 39 nữ quân nhân làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, chiếm gần 16%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nữ trung bình tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của các quốc gia khác.
Trong mọi hoàn cảnh Việt Nam luôn thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế, là thành viên tích cực, có trách nhiệm quốc tế với những đóng góp rất tích cực, đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trong gần hai năm.
Phát biểu tại Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề "Ðại dịch và các thách thức đối với hòa bình bền vững," Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực cũng như vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và WHO trong cuộc chiến chống Covid-19; các cam kết của Việt Nam và kêu gọi tăng cường hợp tác, đoàn kết quốc tế cùng ứng phó thành công đại dịch.
Đặc biệt, ngày 7/12/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 đã thông qua Nghị quyết do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua, lấy ngày 27/12 hằng năm là "Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh". Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng khi đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ trì đề xuất thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công một nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trong việc tham gia có trách nhiệm vào công việc chung của Liên hợp quốc và thúc đẩy các vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm.
Chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, tốt đẹp hơn
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của Liên hợp quốc kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, và vai trò đầu tàu của các bạn trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp triển khai Chương trình Phát triển bền vững 2030.
Với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững.
Ngày 19/6/2021, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát biểu: “Việt Nam có những đóng góp tích cực và có trách nhiệm tại Liên hợp quốc và trong các vấn đề toàn cầu, nhất là tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Việt Nam là một nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực.”
Trực tiếp tiếp xúc, hợp tác với các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị-xã hội, người dân Việt Nam, Điều phối viên cũng như các Trưởng đại diện/Đại diện thường trú các cơ quan...luôn có một tình cảm đặc biệt với đất nước họ đến công tác, và đều bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển cùng những đóng góp của Việt Nam với tư cách là một đối tác tin cậy, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: Reuters) 

Chia sẻ đã nhiều lần tới Việt Nam trên các vai trò khác nhau, nhưng với Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra, đảm nhiệm vị trí này trong gần 5 năm qua là công việc vinh dự nhất và mang lại cho ông nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất.
Ông Kamal Malhotra bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành và cơ quan Việt Nam dành cho cá nhân ông và các tổ chức Liên hợp quốc trong thời gian ông công tác tại Việt Nam, giúp ông hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc nhấn mạnh các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam hỗ trợ Việt Nam thực hiện các ưu tiên phát triển trong nước cũng như nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Do đó, bên cạnh các hoạt động hợp tác, hỗ trợ về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), thời gian qua, các tổ chức Liên hợp quốc đã có nhiều sáng kiến, nỗ lực hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực phụ nữ, hòa bình và an ninh, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021).
Ông Kamal Malhotra chia sẻ, ưu tiên cao nhất của các tổ chức Liên hợp quốc hiện nay là hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt là tham gia vận động vaccine thông qua Cơ chế phân bổ vaccine quốc tế (COVAX) và hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để Việt Nam có thể tự chủ về vaccine, hỗ trợ vật tư, y tế và tư vấn chính sách phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đến nay, cơ chế COVAX đã hỗ trợ Việt Nam hơn 12,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19.
Đánh giá “Việt Nam là một đất nước hòa bình, hiếu khách và dễ chịu, đồng thời cũng là một đất nước sáng tạo, năng động, tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, một đất nước đầy triển vọng, một đất nước hòa nhập,” Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam Michael Croft chia sẻ và nhấn mạnh, “Từ khi gia nhập UNESCO, Việt Nam đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục đảm nhận những vai trò quan trọng trong các hội đồng thuộc UNESCO. Việt Nam là nước thành viên hoạt động rất tích cực trong công tác lãnh đạo thuộc nhiều ủy ban khác nhau. Việt Nam cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc triển khai các nghị quyết và công ước mới thuộc lĩnh vực văn hóa...”
Ông Croft cho rằng Việt Nam đang giữ một vai trò quan trọng trong UNESCO, cũng như các cuộc thảo luận về việc đặt ra những tiêu chuẩn toàn cầu trong vấn đề quản lý quá trình số hóa, đồng thời kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong các cuộc thảo luận về vấn đề đảm bảo nền giáo dục, sự phổ cập giáo dục và chất lượng giáo dục được tiếp diễn trong đại dịch Covid-19.
Bày tỏ niềm tự hào khi cùng đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong hơn 40 năm qua để đạt được những thành tựu ngoạn mục trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ của Việt Nam đã giảm 72% trong những năm qua và là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới đạt được kết quả này.
Tin tưởng quan hệ đối tác giữa UNFPA và Việt Nam trong hơn 4 thập kỷ qua sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh: "UNFPA luôn khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trở thành nơi an toàn cho mọi phụ nữ mang thai, bên cạnh việc giúp phát huy tiềm năng của mỗi người trẻ để đảm bảo rằng sẽ không ai bị bỏ lại phía sau.”
Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hợp tác và phát triển, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát huy quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc. Những đóng góp của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao.
Đây là cơ sở vững chắc để nước ta đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng hơn; góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động của Liên hợp quốc, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế...