Đây là nội dung chính được các đại biểu, diễn giả nêu ra và trao đổi tại hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng,” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 15/5.
Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Cùng với đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, ghi nhận chất lượng, hiệu quả đang ngày càng gia tăng.
Nhiều tập đoàn quy mô lớn trên thế giới đã đầu tư vào thị trường Việt Nam, cụ thể trong lĩnh vực sản xuất là: Samsung, Nestlé, Sabeco, Piaggio, Panasonic. Trong lĩnh vực ngân hàng, đó là HSBC, UOB. Hay Dragon Capital, Frasers Property Vietnam, Gamuda Land trong lĩnh vực bất động sản. AEON trong lĩnh vực bán lẻ.
Trong lĩnh vực dịch vụ, tư vấn có DKSH, KPMG. Là British University Vietnam trong lĩnh vực giáo dục. GIZ trong lĩnh vực năng lượng. Và South HoiAn Development Ltd. - Hoiana Resort & Golf trong lĩnh vực du lịch…
Tại hội thảo, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) Philipp Munzinger chia sẻ, những năm qua, Việt Nam đã gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế không chỉ bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh mà còn bởi sự mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng, cùng với nhiều biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Và, điều quan trọng lúc này là tiếp tục duy trì động lực và nhanh chóng chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững.
Qua thời gian gắn bó với Việt Nam, Tổng giám đốc AEON Vietnam Furusawa Yasuyuki cho rằng, môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng đôi lúc có sự thay đổi, nhưng nhìn chung tiềm năng và cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức.
Theo ông Furusawa, với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác cũng như Nhật Bản. Vì vậy, Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã mang đến cho chúng ta vốn, kinh nghiệm, công nghệ… Chính họ đã góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như: dầu khí, điện tử, viễn thông…
"Khu vực đầu tư nước ngoài cũng thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, nâng cao trình độ tiếp nhận công nghệ của nền kinh tế; đồng thời, tạo sức ép để nhiều doanh nghiệp trong nước phải chủ động đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, mở rộng quan hệ với các nước, cũng như nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên thế giới và khu vực, giúp Việt Nam vươn ra biển lớn thành công" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Để có thể đón làn sóng đầu tư mới, tại hội thảo các chuyên gia kinh tế có chung ý kiến, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn các điều kiện, như: chuẩn bị mặt bằng sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng, nguồn cung lao động có tay nghề, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị… Đồng thời cũng phải chuẩn bị sẵn các gói chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ năm 2024, nhằm tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.