KTĐT - Theo dự thảo chiến lược, vào năm 2015, cả nước sẽ đón khoảng 12 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 28 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu từ du lịch đạt 8.900 triệu USD. Đến năm 2020 con số này là 15.900 triệu USD. Tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành là 5,2% vào năm 2015 và 6% vào 2020.
Dự thảo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2010- 2020 và tầm nhìn đến 2030 của Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, sau khi tham vấn ý kiến các bộ, ngành liên quan, ngành du lịch đã đề ra chiến lược phát triển nói trên. Tới đây văn bản này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo dự thảo chiến lược, vào năm 2015, cả nước sẽ đón khoảng 12 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 28 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu từ du lịch đạt 8.900 triệu USD. Đến năm 2020 con số này là 15.900 triệu USD. Tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành là 5,2% vào năm 2015 và 6% vào 2020.
Để thu hút khách du lịch như mục tiêu đã đề ra, chiến lược phát triển sản phẩm- thị trường sẽ tập trung xây dựng các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch theo các phân đoạn thị trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng khai thác du khách đến từ các thị trường gần như ASEAN và Đông Bắc Á có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày với những sản phẩm mới: du lịch hội thảo, du lịch chữa bệnh, làm đẹp…
Bên cạnh đó, vẫn duy trì khai thác các thị trường khách truyền thống là Tây Âu, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Úc, Việt kiều cùng các thị trường mới nổi như các nước SNG (Nga, Ukraina, Belarus…). Song song với việc nghiên cứu thu hút khách từ các thị trường tiềm năng: Ấn Độ, châu Mỹ La tinh, Nam Phi và Trung Đông với các sản phẩm du lịch cao cấp.
Như vậy, tới đây, “hoạt động xúc tiến, quảng bá phải được xây dựng và tổ chức trên cơ sở kết quả nghiên cứu các thị trường. Chuyển từ xúc tiến hình ảnh sang xúc tiến cho các sản phẩm và thương hiệu cụ thể như phát triển du lịch biển và ven biển, các sản phẩm du lịch gắn với văn hoá, nhân văn…”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó vụ trưởng Vụ thị trường (Tổng cục Du lịch Việt Nam) nhìn nhận.
* Với dự thảo chiến lược nêu trên, Tổng cục Du lịch Việt Nam từ cuối tháng 8/2010 đã phát động cuộc thi sáng tác tiêu đề, biểu tượng cho chương trình xúc tiến du lịch quốc gia năm 2011- 2015. Đối tượng của cuộc thi lần này là các công ty, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chuyên nghiệp trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu, tư vấn du lịch, sáng tác tiêu đề, biểu tượng.
Tác phẩm dự thi phải là một thể thống nhất về hình ảnh và chữ viết, phải thể hiện được thế mạnh của du lịch Việt Nam, dễ nhìn, dễ nhớ, tạo ấn tượng về màu sắc. Hạn cuối cùng nhận sản phẩm là ngày 15/12/2010 (tính theo dấu bưu điện). Ban tổ chức sẽ chọn 10 sản phẩm tốt nhất để vào vòng chung khảo. Cơ cấu giải thưởng gồm một giải nhất trị giá 50 triệu đồng, một giải nhì được trao 30 triệu đồng, một giải ba có giá trị 20 triệu đồng và bảy giải khuyến khích.