Việt Nam đứng ở đâu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi?

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ NN&PTNT, trong 10 năm qua (2008 - 2018), ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) Việt Nam đã có những bước tiến rất nhanh, đáp ứng cơ bản về nhu cầu phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang có bước tăng trưởng nhanh. Ảnh TTXVN
Theo đó, trong giai đoạn 2008 - 2018, số lượng nhà máy TACN của các doanh nghiệp trong nước khá ổn định. Giai đoạn 2008 - 2012, giảm xuống trong giai đoạn 2013 - 2016, tăng lên đạt 180 nhà máy năm 2018. Trong khi đó, số lượng nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài từ 54 nhà máy năm 2008 tăng lên 85 nhà máy năm 2018.
Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước đã có trên 265 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008 - 2018 là 12,8 %/năm. Trong đó, tỷ trọng số lượng nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài chiếm 32,1%, doanh nghiệp nội địa chiếm 67,9%.
Trong giai đoạn từ 2008 - 2018, công suất sản xuất TACN tăng từ 12,0 triệu tấn lên 40,0 triệu tấn, với mức tăng bình quân 12,8%/năm. Trong đó, nhóm doanh nghiệp nước ngoài tăng 10,4 %/năm, nhóm doanh nghiệp trong nước tăng 16,0%/năm.
Về sản lượng sản xuất, trong giai đoạn 2008 - 2018, với mức tăng trưởng cao về số lượng nhà máy và công suất thiết kế (12,8%), tăng trưởng về sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi bình quân 8,3%/năm, đưa sản lượng sản xuất từ 8,5 triệu tấn lên đến 18,8 triệu tấn.
Đáng chú ý, tăng trưởng sản lượng về TACN trong khoảng thời gian này khá cao, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 10 thế giới và số 1 trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về sản lượng TACN công nghiệp (Thái Lan đứng thứ 2 với 18,6 triệu tấn, Indonesia đứng thứ 3 là 18,3 triệu tấn). Kết quả sản xuất thực tế tiệm cận với kế hoạch đặt ra trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 - 2018.