Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn. |
Đây là thông tin do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đưa ra tại diễn đàn Đối thoại cấp cao về việc thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam. Do biến đổi khí hậu, những năm gần đây, thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và nền kinh tế. Vấn đề xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (5,52% so với 6,32%). Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm 1,34 triệu tấn…
Theo Điều phối viên Pratibha Mehta của Liên Hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam, trước những nguy cơ về thiên tai, công tác nghiên cứu rất quan trọng và cần thiết nhằm hỗ trợ việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Đặc biệt là tăng thêm nguồn ngân sách tài trợ cho nghiên cứu khí hậu. Xem xét kiểm điểm lại việc thực hiện Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào năm 2018.
Tại diễn đàn lần này, các đại biểu đã cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu tới Việt Nam. Chương trình hành động và những nỗ lực của Việt Nam trong chuẩn bị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam. Những vấn đề trọng tâm cần chú trọng trong triển khai thực hiện các chiến lược quốc gia, chương trình hành động về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phòng chống thiên tai, phát triển năng lượng tái tạo...
Các đại biểu bày tỏ quan ngại về thực trạng biến đổi khí hậu. |
Trước câu hỏi của giới truyền thông liên quan tới kịch bản biến đổi khí hậu năm 2016, GS. TS Trần Thục, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu thuộc Bộ TNMT nhận định, so với kịch bản về biến đối khí hậu năm 2012, phiên bản năm 2016 có nhiều nghiên cứu mới. Thứ nhất là số liệu chiến lược được cập nhật cho đến 2014, số liệu bản đồ, địa hình và độ cao cập nhật đến năm 2016, các mô hình được xây dựng dựa trên mô hình mới nhất của IPCC. Thứ 2, phương pháp sử dụng chi tiết hóa động lực, tức là từ toàn cầu, chúng ta dùng mô hình để chi hóa cho khu vực Việt Nam.
Về kịch bản nước biển dâng dựa trên 16 mô hình toàn cầu, khí quyển đại dương, với mức độ chi tiết tới từng xã, còn kịch bản biến độ khí hậu chi tiết cho tới từng tỉnh, TP. Đặc biệt, kịch bản lần này có cả tính toán về biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho hai quần đảo Hoàng sa – Trường Sa, bản đồ ngập cho các đảo lớn, quan trọng của Việt Nam. “Chính phủ đã có những giải pháp điển hình như đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia, chống ngập cho các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang…”, ông Trần Thục nói.
Đánh giá một cách kỹ lưỡng về kịch bản biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề này cần có thời gian nghiên cứu, quan trọng là cần những người trong ngành mới có cái nhìn khách quan nhất. Như ngành giao thông thì phải là Bộ GTVT đánh giá, dựa trên kịch bản do Bộ TNMT đưa ra… họ biết phải phát triển từ đâu cũng như biết đưa ra những giải pháp tránh bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Qua đó, mới đánh gia được tác động và có những giải pháp ứng phó cụ thể.
Với kịch bản biến đổi khí hậu năm 2016 đưa ra những kết quả bao gồm nhiệt độ, lượng mưa… không khác nhiều so với kịch bản cũ. Tuy nhiên, kịch bản mới đưa ra những cực trị về khí hậu, chẳng hạn như một ngày mưa lớn nhất thay đổi ra sao, nhiệt độ nắng nóng thay đổi ra sao. Thực tế, nhiệt độ trung bình ít quan trọng đối với người dân, song những cực đoan của khí hậu lại là điều người ta quan tâm hơn.