Trên phương diện văn hóa, tình cảm của người dân hai nước, mối quan hệ này hướng tới “đồng minh Việt - Hàn”, vị Chủ tịch trao đổi với Kinh tế & Đô thị trong bài phỏng vấn mới đây.
Chủ tịch Liên Hiệp người Hàn tại Việt Nam Yoon Sangho. Ảnh: Liên Hiệp người Hàn tại Việt Nam. |
Xin ông cho biết vai trò của quan hệ kinh tế tương hỗ trong thúc đẩy quan hệ song phương từ trước đến nay?
Hàn Quốc đang trải rộng chính sách Tân Nam tiến trên vũ đài Việt Nam. Như đã được biết, có tới 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc, gồm những tập đoàn toàn cầu hàng đầu như: Samsung, LG, Hyundai và POSCO đang hoạt động tại đây. Họ mang trong mình ước mơ tăng trưởng đồng hành với Việt Nam.
Dựa trên nền tảng đó, sự phát triển của các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn, văn hóa làn sóng Hàn Quốc Hanllyu, cũng như cơn sốt nhiệt thành với bóng đá của người hâm mộ Việt Nam cùng với ảnh hưởng từ vị huấn luyện viên Park Hang-seo đang thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ song phương.
Trả lời hãng tin Yonhaps gần đây, Chủ tịch Yoon Sangho nói mối quan hệ hai nước là tương hỗ. Thật vậy, Hàn Quốc ghi nhận mức thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ đô la/năm với Việt Nam trong vòng 3 năm qua.
Theo ông, tâm lý người dân và dư luận mỗi nước có ảnh như thế nào đến tình hữu nghị hai nước?
Trong thời gian qua, người dân hai nước Việt - Hàn đã luôn chung sức, đồng lòng, sát cánh bên nhau. Khi bóng đá Việt Nam vươn lên thứ 100 trong bảng xếp hạng FIFA, giây phút Việt Nam vô địch môn bóng đá nam SEA Games 30 sau 60 năm lịch sử, chính chúng tôi đã vui mừng, hân hoan, hạnh phúc, tựa như đây là thành tựu từ quê hương mình.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm dịch Covid-19 xảy ra hiện tượng chỉ trích trong một bộ phận cư dân mạng hai nước. Vậy nhưng, tôi tin tưởng rằng, theo thời gian, những vấn đề này sẽ được xoa dịu, giải quyết. Trong tiếng Hàn, có cụm từ ví von “Tình yêu tình hờn - Gounjeong Miunjeong”, với hàm nghĩa chứa đựng mối nhân duyên tình sâu nghĩa nặng, thiết tha, gắn bó, dù có những cung bậc thăng trầm, lúc yêu thương, khi hờn giận. Quả rằng, tựa lẽ đó, đối với tôi, đây là một giai đoạn bước đệm để mối quan hệ hai nước phát triển hơn nữa.
Thiết nghĩ, dư luận cũng sẽ cần có sự nhìn nhận theo hướng nhìn rừng cây thay vì nhánh cây đơn lẻ, tập trung khai thác, phát triển ngôn luận chính thống, dựa trên nền tảng là tình cảm bao trùm, thống nhất, xuyên suốt giữa hai dân tộc, thay vì cảm tính của một bộ phận cư dân mạng.
Người dân hai nước luôn đồng lòng, sát cánh bên nhau |
Ông từng nói “cần có sự thấu hiểu đối với tình thế cấp bách ở nước sở tại” khi nhận xét về chính sách phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam có điểm khác biệt với các quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Xin ông nêu cảm nhận về các biện pháp chống dịch Covid-19 của Việt Nam?
Việt Nam đã sớm nhận thức về nguy cơ của đại dịch Covid-19 và đưa ra cảnh báo ở ngưỡng nguy hiểm nhất trước cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thêm vào đó, Việt Nam còn coi dịch bệnh như kẻ thù và tuyên bố “chống dịch như chống giặc”. Trên tinh thần đó, Chính phủ cùng toàn dân đồng lòng như một, chủ động, tích cực tham gia vào công cuộc phòng chống dịch.
Đồng thời, Chính phủ triển khai rộng rãi việc xét nghiệm, điều trị miễn phí cho người dân và thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ kinh tế, vượt lên cuộc khủng hoảng từ Covid-19. Đối với người nước ngoài, Việt Nam có sự đãi ngộ, điều trị tâm huyết, công bằng, không phân biệt quốc tịch. Không chỉ dừng lại ở việc phòng chống dịch trong nước, Việt Nam còn tiếp sức chi viện các quốc gia đang trải qua khó khăn vì dịch bệnh.
Theo đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia nhận được sự tín nhiệm cao nhất của người dân trong các chính sách phòng dịch. Việc cả dân tộc đồng thuận một lòng tuân thủ phương châm của Chính phủ và có sự phối hợp hài hòa giữa chính quyền và người dân là vô cùng ấn tượng.
Tôi được biết Hàn Quốc cũng là một điển hình chống dịch Covid-19 được cộng đồng quốc tế khen ngợi. Xin ông cho biết về các biện pháp của Hàn Quốc?
Hệ thống phòng chống dịch của Hàn Quốc đã được đánh giá là hình mẫu trên toàn thế giới, giúp gia tăng vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Cụ thể, mô hình kiểm soát, phòng chống đại dịch “K” của Hàn Quốc với các bước Xét nghiệm, Khẳng định (test)→ Điều tra dịch tễ, Truy tìm (trace)→Cách ly và Điều trị (contain), đã và đang được coi như chuẩn mực trong công tác phòng dịch quốc tế.
Hơn nữa, các cuộc điều tra dịch tễ được tiến hành bằng cách vận dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) thông qua lịch sử GPS điện thoại di động, camera CCTV và quá trình sử dụng thẻ tín dụng, đã nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch truyền nhiễm.
Đặc biệt, chúng tôi tổ chức thành công cuộc bầu cử Ủy viên Quốc hội nhiệm kỳ 21 giữa đại dịch Covid-19 và vẫn duy trì sự giao lưu cần thiết với cộng đồng quốc tế. Từ đó, Hàn Quốc đã nhận được đánh giá tích cực liên quan sự kiện này.
Có thể nói, cả Hàn Quốc và Việt Nam đều được công nhận là những quốc gia xuất sắc trong phòng chống dịch.
Thành công của bóng đá Việt Nam khiến người Hàn hân hoan như thể thành tựu của quê hương mình. Ảnh: Yonhap |
Xin ông cho biết cảm nhận của cộng đồng người Hàn khi sống ở Việt Nam trong thời gian dịch bệnh diễn ra và nhận xét của họ về cách chống dịch của Chính phủ Việt Nam?
Cộng đồng người Hàn cư trú tại Việt Nam đã nhận được sự bảo hộ an toàn từ những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh quyết liệt và chính xác của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy vô cùng biết ơn về điều này. Và sau khi đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, câu chuyện về nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam chung tay tiếp sức đông đảo bạn bè toàn cầu đã gây xúc động mạnh.
Cùng với các biện pháp phòng dịch nhanh chóng, thần tốc của chính quyền, sự đoàn kết, thống nhất, tham gia tích cực và thực hiện phòng dịch tốt từ toàn thể người dân Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và để lại ấn tượng sâu sắc.
Hiện có 200.000 công dân và 8.000 Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Xin ông cho biết vai trò của Liên hiệp trong kết nối cộng đồng người Hàn và thúc đẩy sự gắn kết giữa người dân hai nước?
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Hiệp hội người Hàn tại Hà Nội, cùng với Liên Hiệp hội người Hàn tại Việt Nam đã tuyên truyền rộng rãi về những phương châm, chỉ thị của Chính phủ Việt Nam.
Theo đó, cộng đồng liên tục được cập nhật thông tin, hướng dẫn phòng ngừa từ Chính phủ và kết quả là không có bất cứ ca bệnh nào trong cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Liên Hiệp hội chúng tôi hỗ trợ những vật phẩm cần thiết và động viên tinh thần những người cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung giai đoạn đầu của dịch mà không phân biệt quốc tịch Việt hay Hàn.
Thời điểm ấy, chúng tôi thấm nhuần phương châm “Không tồn tại biên giới trong mối quan hệ hữu nghị, tình bạn giữa hai nước Việt - Hàn”. Và vào năm nay, Liên Hiệp hội dự định tổ chức “Festival ONE Hàn - Việt 2020 tại Hà Nội”. Dự kiến với quy mô lễ hội văn hóa lớn nhất trong lịch sử song phương, đây sẽ là cơ hội để hai nước gắn kết hơn nữa.
Cộng đồng người Hàn tại Việt Nam có đóng góp quan trọng thúc đẩy tình hữu nghị |
Xin ông cho biết kế hoạch cụ thể của kế hoạch "Mạng lưới 200.000 cộng đồng người Hàn tại Việt Nam"?
Liên Hiệp hội người Hàn tại Việt Nam, trọng tâm của mạng lưới 200.000 cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn chính sách của Chính phủ Việt Nam, với mục đích giúp cộng đồng này có thể tận hưởng cuộc sống hạnh phúc ở nước sở tại. Đồng thời chúng tôi cũng liên tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông hướng tới lối sống, sinh hoạt lành mạnh.
Chúng tôi đã và đang thu hút cộng đồng bằng các chương trình tìm hiểu văn hóa Việt Nam như khám phá lịch sử - văn hóa cũng như những sự kiện quy mô lớn thúc đẩy sự hòa hợp và tình hữu nghị hai nước.
Chúng tôi sẽ không ngừng phấn đấu đưa Cộng đồng người Hàn Quốc cư trú tại Việt Nam trở thành cộng đồng xuất sắc nhất ở nước sở tại.
Xin cảm ơn ông!