Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 11/3, phóng viên đã đặt câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trước cuộc họp của nhóm Bộ tứ (bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) trong tuần này.
Về vấn đề này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, quan điểm của Việt Nam là Việt Nam luôn quan tâm theo dõi các diễn biến tình hình tại khu vực, trong đó có chính sách đối ngoại của các nước lớn.
“Việt Nam mong rằng các nước cần tiếp tục đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vục cũng như thế giới, duy trì hợp tác và tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Cuộc họp thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ dự kiến diễn ra vào ngày 12/3. Đây sẽ là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức giữa các nguyên thủ quốc gia của nhóm bốn thành viên, trong bối cảnh cả bốn nước đều căng thẳng với Trung Quốc về nhiều vấn đề.
Theo đại diện Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden coi đây là một trong những cam kết đa phương sớm nhất, thể hiện sự coi trọng của nước Mỹ với việc hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, thông báo từ văn phòng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, trao đổi quan điểm về các lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và hòa nhập.
Bộ tứ, hay Đối thoại An ninh Bộ tứ, là một diễn đàn chiến lược không chính thức của bốn quốc gia nói trên, có các hội nghị bán thường kỳ và các hoạt động trao đổi thông tin. Mặc dù không phải là một liên minh quân sự chính thức như NATO, Bộ tứ được coi là đối trọng tiềm năng đối với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bắc Kinh nói Bộ tứ là một khối chống Trung Quốc.