Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam nên chấp nhận tăng trưởng vừa phải để ổn định vĩ mô

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nghị quyết về kinh tế xã hội 2011 được Quốc hội thông qua chiều 8/11 cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu Chính phủ đề xuất, song đưa ra yêu cầu khắt khe hơn về ổn định kinh tế vĩ mô,

KTĐT - Nghị quyết về kinh tế xã hội 2011 được Quốc hội thông qua chiều 8/11 cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu Chính phủ đề xuất, song đưa ra yêu cầu khắt khe hơn về ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát dưới 7% và khống chế nhập siêu không quá 18% kim ngạch xuất khẩu.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Viết Ngoạn cho rằng Việt Nam nên chấp nhận tăng trưởng ở mức vừa phải để ổn định vĩ mô và giải tỏa các điểm nghẽn trước khi phát triển ở mức cao hơn.

Nghị quyết về kinh tế xã hội 2011 được Quốc hội thông qua chiều 8/11 cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu Chính phủ đề xuất, song đưa ra yêu cầu khắt khe hơn về ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát dưới 7% và khống chế nhập siêu không quá 18% kim ngạch xuất khẩu. Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Viết Ngoạn đã trao đổi với báo chí.

- Đề nghị ông cho biết tại sao Quốc hội đưa ra chỉ tiêu kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng 2011 ở mức không quá 7%, trong khi trước đó Chính phủ kiến nghị ở mức khoảng 7%?

- Lạm phát sang năm tiềm ẩn một số nguy cơ, song theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế cũng có những nhân tố giảm lạm phát. Giá lương thực thế giới sang năm có thể tăng khá mạnh, thị trường có thể có cú sốc, thậm chí lặp lại một cuộc khủng hoảng nhỏ. Trong nước, chúng ta sẽ tiếp tục lộ trình cải cách giá một số mặt hàng cơ bản như điện, than. Sức ép tỷ giá cũng là một ẩn số cho năm tới, nhất là thị trường vàng và ngoại tệ đang không ổn định.

Nhưng tổng cầu của thế giới năm tới chững lại, khiến giá không tăng cao, thậm chí không ít mặt hàng sẽ giảm giá. Nếu như năm nay chỉ số giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng 15-16% so với năm ngoái thì năm tới dự báo có thể giảm 1-2%. Việt Nam nhập khẩu nhiều, nếu giá thế giới không tăng, trong nước cũng sẽ không tăng. Hơn nữa, chúng ta cũng chủ động kiểm soát giá cả, chỉ xác định tăng trưởng kinh tế trong khoảng 7-7,5% thôi, tác động của gói kích cầu năm 2009 không còn lớn nữa, nên tổng cầu trong nước cũng sẽ không quá nóng, giá khó có thể biến động lớn. Do đó, việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 7% không phải không khả thi, tất nhiên đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp quyết liệt.

- Nhưng diễn biến giá năm nay, đặc biệt do ảnh hưởng bởi diễn biến giá USD và vàng, khiến nhiều người không tin tưởng vào khả năng khống chế CPI 7%

- Đúng là vào thời điểm này thị trường vàng ngoại tệ diễn biến phức tạp. Giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng của thế giới, gây tác động tâm lý rất lớn tới thị trường ngoại tệ và thị trường hàng hóa. Cũng phải thừa nhận rằng kinh tế vĩ mô của chúng ta chưa vững chắc, đang tiềm ẩn một số yếu tố tác động tới tỷ giá và giá cả hàng hóa. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi trong năm tới, những nhân tố này không thực sự làm giá cả và tỷ giá tăng mạnh như hiện nay.

Nhân tố chủ yếu khiến giá tăng vẫn là do tâm lý của người dân. Đặc điểm của thị trường Việt Nam là lâu nay người dân tích trữ vàng và ngoại tệ khá nhiều. Nay trước những diễn biến giá vàng trên thị trường, người dân đã đổ xô đi mua, làm tăng cầu một cách không bình thường và qua đó đẩy giá các mặt hàng thông thường khác lên một cách thái quá. Đây là một ẩn số cho CPI năm 2011. Nếu chúng ta có ngay những giải pháp mạnh mẽ để quản lý, điều hòa thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa đặc biệt làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để ổn định tâm lý người dân thì giá cả hàng hóa sẽ dần ổn định trở lại, không ảnh hưởng lớn đến CPI năm sau.

- Quốc hội yêu cầu khống chế nhập siêu ở mức 18% trong khi Chính phủ đề xuất một mức tương đối là dưới 20%. Liệu yêu cầu này có khả thi khi tăng trưởng xuất khẩu năm tới nguy cơ chậm lại?

- Đúng là xuất khẩu năm tới không dễ đạt chỉ tiêu tăng trưởng 10%, bởi tổng cầu cũng như giá thế giới sẽ giảm. Năm nay xuất khẩu tăng trưởng 19% nhưng trong đó yếu tố giá đã đóng góp 15-16% rồi, lượng tăng không nhiều. Nhưng năm tới không thể trông mong nhiều vào yếu tố giá, mà phải tăng cường về lượng, và điều này không dễ thực hiện.

Vì vậy, giảm nhập tỷ lệ siêu năm tới cũng đồng nghĩa với việc giảm mạnh tốc độ tăng nhập khẩu. Mà với cơ cấu hiện nay, chủ yếu nhập máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, giảm nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng vì ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta sẵn sàng chấp nhận duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức độ vừa phải thôi, phù hợp với điều kiện, khả năng của nền kinh tế.

- Chấp nhận tăng trưởng vừa phải, ngoài mục đích kiềm chế nhập siêu còn có gì ý gì thưa ông?

- Tăng trưởng của Việt Nam đang gặp một số trở ngại như hạ tầng cơ sở yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Đây là những điểm nghẽn trong quá trình phát triển, làm tăng chi phí trung gian, vì thế giảm đáng kể hiệu quả đầu tư. Với điều kiện hiện nay, muốn tăng trưởng cao hơn nữa thì chỉ là tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu dùng vốn đầu tư là chính, không tăng được năng suất tổng hợp, gây lãng phí nguồn lực. Và vấn đề đáng quan tâm hơn nữa là gây mất cân đối vĩ mô, tăng lạm phát.

Chúng ta chấp nhận tăng trưởng ở mức vừa phải thôi, để giải tỏa các nút thắt, qua đó giảm chỉ phí trung gian, nâng hiệu quả của nền kinh tế. Khi đã có nền tảng vững chắc hơn rồi Nếu mình giải tỏa được các nút thắt thì sau này hiệu quả đầu tư tốt hơn, cùng một đồng vốn đầu tư sẽ cho ra kết quả cao hơn, nhờ vậy mà tăng trưởng về lâu dài sẽ cao hơn.

- Vậy theo ông tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm tới nên ở mức bao nhiêu?

- Một số ý kiến cho rằng chúng ta chỉ cần giữ mức 7% thôi. Nhưng theo tôi, duy trì 7-7,2% là hợp lý và bình quân 5 năm tới chỉ nên giữ 7-7,5% thôi, để chúng ta có điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có cơ cấu ản xuất công nghiệp, hoàn thiện thể chế hành chính, phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có như vậy, trong 5 năm tiếp theo (2016-2020), chúng ta có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ở mức 7,5-8% như kế hoạch đề ra. Còn nếu vội vã tăng nhanh, sẽ dẫn tới mất cân đối, tăng trưởng không vững chắc và hậu quả là những năm sau này sẽ tăng trưởng chậm lại.

- Bội chi ngân sách là một vấn đề dư luận lo lắng, nhưng năm 2011 nhiều khả năng vẫn trên 5% GDP. Tại sao vậy thưa ông?

- Bội chi năm nay sẽ ở khoảng 5,8% và năm 2011 nhiều ý kiến đề nghị giảm xuống 5,3% GDP. Đây là mức giảm khá mạnh nhưng bội chi vẫn ở trên 5% GDP.

Giảm bội chi là yêu cầu đúng đắn, nhưng trong bối cảnh hiện nay chúng ta chỉ có thể giảm từng bước, vì Nhà nước đang cần quan tâm đầu tư cho nông thôn, cho các đối tượng chính sách, nhất là 63 huyện nghèo. Sau khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại và ảnh hưởng đáng kể tới đời sống nhân dân, khoảng cách giàu nghèo bị kéo rộng hơn. Nay kinh tế đang phục hồi, chúng ta cần tăng cường đầu tư cho khu vực này. Hơn nữa, nợ công và nợ nước ngoài vẫn đang trong giới hạn an toàn. Nên có thể tiếp tục chấp nhận bội chi để giải quyết nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế và của người dân.

Tất nhiên, cũng có quan điểm cho rằng bội chi của chúng ta có thể giảm xuống nhưng vẫn đảm bảo đầu tư cho đối tượng chính sách, khu vực nông thôn, bằng cách cơ cấu lại đầu tư, tập trung cho các dự án công trình có hiệu quả, có những biện pháp quyết liệt để chống lãng phí . Đa số các ý kiến trong Ủy ban Kinh tế có cùng quan điểm này, và đề nghị Chính phủ chủ động kiểm soát bội chi đảm bảo an toàn tài chính, nhưng cũng không giảm đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và các hộ nghèo, đối tượng chính sách. Vì vậy, chúng ta cần giảm bội chi ngân sách những vẫn phải chấp nhận mức trên 5% GDP.

- Theo quan điểm của ông, phát triển kinh tế năm tới nên chú trọng những điểm gì?

- Ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, trong đó đặc biệt chú ý tới việc cân bằng cán cân thanh toán, kiểm soát nhập siêu, tăng dự trữ ngoại hối, qua đó ổn định giá trị đồng tiền. Năm nay, nhập siêu giảm so với năm ngoái, nhưng cán cân thanh toán vẫn bộc lộ khó khăn, thậm chí còn căng thẳng hơn, do tình trạng nhập siêu kéo dài nhiều năm. Chúng ta chưa thể giải quyết ngay tình trạng mất cân đối trong cán cân thanh toán, nhưng theo kiến nghị của Ủy ban Kinh tế, cần kiên quyết giảm tỷ lệ nhập siêu trong năm 2011 và những năm tiếp theo.

Vấn đề thứ hai rất đáng quan tâm, đó là diễn biến trên thị trường tiền tệ thế giới đang rất phức tạp, có thể ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường Việt Nam, nhất là giá vàng và ngoại tệ. Nhưng nhân tố này cùng với những yếu tố nội tại của nền kinh tế có thể gây tác động cộng hưởng. Chúng ta cần giải pháp ứng phó và ngăn chặn sớm.

- Những bất ổn vĩ mô hiện nay chủ yếu do cơ cấu kinh tế chưa hợp lý. Từ năm ngoái, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội đề án tái cấu trúc nền kinh tế nhưng đến nay vẫn chưa thấy đề án này. Tại sao vậy thưa ông?

- Đúng là cơ cấu kinh tế của chúng ta hiện nay còn nhiều bất cập và cần cấu trúc lại. Thực ra chưa bao giờ Quốc hội đề nghị Chính phủ trình đề án tái cơ cấu cả, đó chỉ là ý kiến cá nhân của một số đại biểu. Tư tưởng đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được thể hiện trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và chiến lược 10 năm (2011-2020). Trong đó, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.