Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam sẵn sàng triển khai EVFTA, EVIPA

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Việt Nam, EU hoàn tất phê chuẩn, sớm đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), sẽ tạo ra động lực hợp tác phát triển mới giữa hai bên.

Ngày 8/6, tại Kỳ họp lần thứ 9 Quốc hội khoá 14, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua EVFTA và EVIPA. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/6 thông tin, dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong khi EVIPA sẽ còn cần các quốc gia thành viên trong EU phê chuẩn.
 Việt Nam đã sẵn sàng triển khai EVFTA và EVIPA. 
Theo bà Hằng, khi đi vào triển khai, hai hiệp định này sẽ giúp đẩy mạnh hợp tác liên kết khu vực Á - Âu, các hoạt động đầu tư thương mại, đóng góp vào liên kết hội nhập kinh tế quốc tế và đa dạng hoá, tự do hoá thương mại theo hướng công bằng, minh bạch. “Việt Nam trên thực tế đã sẵn sàng triển khai hai hiệp định này”, bà Hằng khẳng định.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ trong năm 2019. Cụ thể, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và EU đạt 56,4 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đạt 41,5 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Về phía ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ EU về Việt Nam đạt 14,9 tỷ USD, chiếm 5,9% tổng giá trị.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19, việc EVFTA có hiệu lực sẽ giúp giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 42,7% vào năm 2025, và 44,4% vào năm 2030 so với kịch bản không có EVFTA.
EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 2,2 - 3,3% (cho giai đoạn 5 năm đầu tiên), tăng 4,6-5,3% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và tăng 7,1 - 7,7% (trong giai đoạn 5 năm sau đó) so với trường hợp không có EVFTA.