Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam sắp có thêm hãng hàng không mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng hàng không mới SkyViet được thành lập với vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng, quy mô đội tàu bay dưới 10 tàu.

Theo thông tin của Báo Giao thông, CTCP Hãng hàng không SkyViet đã được Sở KH&ĐT TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và dự kiến chính thức đi vào hoạt động trong quý II/2016, sau khi được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung.

 
Vasco sau cổ phần hóa sẽ có tên hàng không SkyViet.
Vasco sau cổ phần hóa sẽ có tên hàng không SkyViet.
Liên quan tới việc cấp Giấy phép này, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết, đã thẩm định xong Đề án thành lập SkyViet và trình Bộ GTVT xem xét quyết định. Phía Bộ GTVT, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, Bộ GTVT vừa nhận được Tờ trình từ Cục Hàng không VN và sẽ sớm xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến.

SkyViet do TCT Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) góp 51% vốn điều lệ bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư máy bay ATR72-500, động cơ dự phòng máy bay ATR72 (99,2 tỷ đồng) và Vietnam Airlines góp thêm tiền mặt là trên 53,7 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) 48% vốn điều lệ; CTCP phát triển dự án Techcomdeveloper 1% vốn điều lệ.

Sau khi được thành lập, hãng hàng không mới này sẽ kế thừa bộ máy, nguồn lực, kinh nghiệm sẵn có của VASCO và tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Được biết, bộ máy tổ chức của hãng sẽ có sự tham gia của đại diện Techcombank với chức danh Chủ tịch HĐQT và Giám đốc điều hành được cử từ Vietnam Airlines nhằm tận dụng kinh nghiệm và đảm bảo khả năng điều hành khai thác hãng hàng không.

Giai đoạn đầu hoạt động, SkyViet tiếp tục khai thác đội tàu bay ATR72, phù hợp cho các chặng bay đi từ/đến các sân bay địa phương, huyện đảo chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực (B777, A320/A321) như: Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên... Các đường bay này có ý nghĩa phát triển chính trị, KT-XH của địa phương và hiệu quả kinh tế của đề án đã được tính toán phù hợp với mô hình hoạt động của một hãng hàng không độc lập cũng như đặc thù của đường bay sẽ khai thác.

Theo Vietnam Airlines, việc chuyển đổi mô hình hoạt động nêu trên nhằm tạo động lực phát triển cho VASCO trên cơ sở tái cơ cấu để vừa kết hợp kinh doanh vận tải hàng không thường lệ và dịch vụ hàng không chung với mục tiêu phục vụ kinh tế quốc dân.

VASCO được thành lập từ năm 1987, chuyên khai thác các loại tàu bay AN2, AN30, KingAir B200 để cung cấp dịch vụ hàng không chung như chụp ảnh địa hình, khảo sát địa chất, cấp cứu y tế, tìm kiếm cứu nạn… Tháng 8/2014, VASCO đã được Cục Hàng không VN cấp chứng nhận Nhà khai thác (AOC) tàu bay ATR-72. 
Theo thống kê của Cục Hàng không VN, tính đến quý I/2016, cả nước có 8 hãng hàng không gồm 4 hãng kinh doanh vận chuyển hàng không (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VASCO, VietJet Air và 4 hãng hàng không chung là CTCP hàng không Bầu Trời Xanh; CTCP Hàng không Hải Âu; CTCP Công nghệ Hành Tinh Xanh; Vietstar.