Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam sắp sản xuất được vaccine phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 vòng thử nghiệm thành công, dự kiến quý II/2021, Việt Nam có thể đưa vào sản xuất đại trà và thương mại hóa vaccine phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT tham quan nhà máy sản xuất thử nghiệm vaccine phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Hồng Thủy.
Theo Bộ NN&PTNT, đơn vị vừa hoàn tất công tác nghiên cứu thử nghiệm vaccine phòng, chống bệnh DTLCP. Kết quả thử nghiệm trên lứa lợn vừa được Bộ NN&PTNT công bố cho thấy, sau 28 ngày được tiêm thử nghiệm vaccine phòng bệnh, lứa lợn được đưa vào nuôi trong môi trường có vi rút DTLCP.
Trong khi những con lợn được tiêm thử nghiệm vaccine vẫn phát triển khỏe mạnh, thì những con lợn khác không được tiêm phòng vaccine DTLCP khi thả vào khu gây bệnh đã chết toàn bộ chỉ sau hơn 1 tuần.
Không chỉ thành công trong môi trường phòng thí nghiệm mà khi nuôi ở môi trường bên ngoài, vaccine phòng, chống DTLCP cũng phát huy hiệu quả tích cực. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong nỗ lực sản xuất vaccine DTLCP của Việt Nam thời gian qua.
Bộ NN&PTNT cho biết thêm, vaccine mới được thử nghiệm chỉ cần tiêm 14 ngày là có hiệu quả, thay vì 30 ngày như trước kia. Việc thử nghiệm vaccine được áp dụng trên cả giống lợn lai và lợn bản địa. Bên cạnh kết quả đạt được, trong đợt thí nghiệm mới nhất, Bộ đã xác định được liều tiêm, cũng như chốt lại được các yếu tố khi tiến hành đưa vào sử dụng vaccine.
Đại diện Công ty CP thuốc thú y Trung ương (Navetco) cho biết, vaccine phòng, chống bệnh DTLCP được nghiên cứu dựa trên vi rút DTLCP I177L do Mỹ phân lập và chuyển giao cho Việt Nam. Đến nay, Navetco đã sản xuất được 4 lô với khoảng 100.000 liều vaccine.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã thành lập hội đồng khoa học độc lập để kiểm nghiệm và đánh giá hiệu quả của vaccine phòng, chống bệnh DTLCP. Nếu thành công, Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất và bán ra thị trường vaccine này trong quý II/2021. Qua đó, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thương mại hóa được vaccine phòng, chống bệnh DTLCP.