Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đấu thầu khai thác đất hiếm
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể và sẽ là một bên tham gia rất quan trọng với tư cách là đối tác bổ sung trong sân chơi này,” Nhà kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Emily Blanchard chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 25/10 tại Hà Nội.
Theo nhà kinh tế trưởng, thế giới sẽ cần nhiều khoáng chất quan trọng hơn nữa, phần lớn trong số đó dành cho quá trình phi carbon hóa.
Ví dụ như đất hiếm là đầu vào quan trọng của pin, bóng bán dẫn tiên tiến và tấm năng lượng mặt trời. Khi nhu cầu đất hiếm gia tăng trên toàn cầu, việc các quốc gia phát triển khai thác không lấn át các nhà sản xuất hiện có trên thế giới, mà mang ý nghĩa bổ sung.
Nhà kinh tế trưởng cũng khẳng định Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đo lường và đấu thầu khai thác đất hiếm, lưu ý hai nước gần đây đã ký một bản ghi nhớ nhằm tìm hiểu và tăng cường công tác tính toán, đo lường các nguyên tố đất hiếm ở Việt Nam.
Bà cũng bày tỏ kỳ vọng rằng một khi Việt Nam chọn phát triển khoáng sản đất hiếm của riêng mình, sẽ đảm bảo được những yếu tố như bảo vệ môi trường và quyền lợi cho người lao động.
Việc cam kết cải thiện chất lượng môi trường đối với các hoạt động của lực lượng lao động cũng khiến Việt Nam trở thành đối tác đặc biệt có giá trị đối với các doanh nghiệp Mỹ cũng như trên toàn thế giới, theo bà Emily Blanchard.
Duy trì niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam
“Lần đầu tôi đến Việt Nam là vào tháng 9 năm ngoái, niềm lạc quan, hy vọng và tích cực đáng kinh ngạc về mối quan hệ giữa hai nước cho đến nay còn nhiều hơn những gì tôi có thể tưởng tượng,” Nhà kinh tế trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ Emily Blanchard nhận định.
Đối với Mỹ, Việt Nam là một đối tác có nhiều điểm tương đồng về mục tiêu và tham vọng. Khẳng định ấn tượng với những thành tựu trong lĩnh vực công nghệ và giảm phát thải của Việt Nam thời gian qua, bà cho biết một trong những trọng tâm của chuyến thăm lần này là thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong phát triển lực lượng lao động, giảm phát thải ròng, cũng như tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là trong không gian kỹ thuật số.
“Quan trọng hơn là các động lực cơ bản cho tăng trưởng GDP cũng như cung và cầu ở Việt Nam đều rất rất mạnh,” bà cho biết.
Dưới góc nhìn của nhà kinh tế, bà nhận định động lực cơ bản của tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn là đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng, sự đổi mới và môi trường quản trị mạnh mẽ.
“Tất cả những điều này đều có thể thấy ở Việt Nam không chỉ ở lời nói mà còn bằng hành động và thực tiễn,” Nhà kinh tế trưởng cho biết.
Ba yếu tố giúp Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư
Để Việt Nam có thể tăng trưởng hơn nữa, thu hút nhiều hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ, Nhà kinh tế trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập tới 3 yếu tố then chốt.
Thứ nhất là con người, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là một trong những động lực quan trọng bước đầu cho việc phát triển một số ngành công nghiệp mới ở Việt Nam như chất bán dẫn, bà Emily cho biết.
Bà đánh giá đầu tư vào lực lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định sự sẵn sàng, tốc độ và lượng đầu tư mà Mỹ và các quốc gia xem xét khi lựa chọn hoạt động đầu tư.
Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh quá trình giảm phát thải và chuyển đổi xanh cũng là một yếu tố được rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới coi trọng khi quyết định chọn môi trường đầu tư.
“Việt Nam càng sớm tạo ra được nhiều năng lượng tái tạo thì mới có thể nhanh chóng phát triển hệ thống điện. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ mở ra cơ hội cho rất nhiều khoản đầu tư,” bà nhấn mạnh.
Yếu tố thứ ba, nhà kinh tế trưởng cho biết, là tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong không gian kỹ thuật số, để các công ty có thể vận hành nền tảng kỹ thuật số một cách liền mạch.
“Chúng ta đang bước vào thời kỳ Internet vạn vật, khi bạn mua một chiếc iPhone, bạn sẽ mua ít nhất dịch vụ mà Apple cung cấp về phần mềm và hệ điều hành trên điện thoại đó,” bà Emily dẫn chứng và khẳng định, việc hợp tác với Việt Nam cũng như các đối tác trên thế giới là cực kỳ quan trọng để đảm bảo sự đổi mới thành công của các doanh nghiệp.