Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam sẽ tham gia sản xuất máy bay?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Airbus cho biết việc xây dựng một trung tâm sản xuất mới nằm trong khuôn khổ chương trình giới thiệu máy bay A380 cho Vietnam Airlines.

Ông Tom Enders, Chủ tịch Tập đoàn Airbus vừa có bức thư gửi đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (Vietnam Airlines) Phạm Viết Thanh trong đó đề cập đến kế hoạch hỗ trợ Việt Nam mở rộng ngành công nghiệp hàng không tương đối đầy đặn.
Máy bay Airbus hiện chiếm tới 70% đội tàu bay của tất cả các hãng hàng không tại Việt Nam.
Máy bay Airbus hiện chiếm tới 70% đội tàu bay của tất cả các hãng hàng không tại Việt Nam.
Báo Tin tức dẫn lời ông Tom Enders cho biết, Airbus rất sẵn lòng xem xét việc thiết lập một trung tâm sản xuất tại Việt Nam, cùng với một trong những đối tác công nghiệp lớn của Tập đoàn.

“Công ty mới thành lập này sẽ là đơn vị duy nhất trong khu vực Đông Nam Á, chuyên về sản xuất bộ dây đai an toàn bằng điện được lắp trên dòng máy bay bán chạy nhất của Airbus là A320”, ông Tom Enders tiết lộ.

Airbus sẵn sàng tiến hành thảo luận với các cơ quan hữu quan tại Việt Nam để đánh giá các thông số quan trọng về tài chính, kinh tế - xã hội, cũng như đánh giá phương án kinh doanh phù hợp.

Người đứng đầu Airbus cũng cho biết là sẵn sàng chuyển giao cho Việt Nam việc sản xuất những linh kiện tối tân bằng vật liệu composite của máy bay A330 và A350 XWB. Theo tính toán của Airbus, hoạt động này sẽ đem lại thêm cho Công ty Nikkiso Việt Nam nguồn doanh thu 120 triệu USD trong vòng 10 năm tới.

Theo đó, Nikkiso Việt Nam - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản sẽ sản xuất xà dọc bằng composite của cánh máy bay và các tấm chắn của thiết bị đầu cánh Sharklet.

Hiện có một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang chế tạo linh kiện máy bay cho đối thủ trực tiếp của Airbus, trong số đó lớn nhất là MHI Aerospace Vietnam. Cụ thể, doanh nghiệp thành viên của

Mitsubishi (Nhật Bản) đang lắp ráp cửa khoang hành khách cho máy bay Boeing 777 và cánh tà thứ cho dòng máy bay Boeing 737.

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, ngoài việc tham gia sâu hơn vào chuỗi chế tạo máy bay thương mại lớn bậc nhất thế giới, nếu các thỏa thuận với Airbus có hiệu lực, Việt Nam sẽ có cơ hội nâng cao trình độ khoa học về công nghiệp hàng không. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể mơ giấc mơ làm máy bay sau khi vỡ mộng làm ô tô "made in Vietnam".

Từng trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô hiện đại, trở thành thế mạnh của Việt Nam đã được nói suốt 20 năm nay. Thế nhưng, cũng như nhiều ngành khác, mơ ước ấy của Việt Nam mãi chưa thành hiện thực do nguồn lực hạn chế khi đi sau về công nghệ, chiến lược kinh doanh, trình độ, tay nghề lao động quá yếu...

Tương tự, PGS.TS Phạm Ngọc Tuấn, giảng viên Khoa Cơ khí Đại học Bách khoa TP.HCM kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí TP.HCM cũng nói rằng, nhìn lại 20 năm qua, ngành ô tô Việt Nam hầu như chẳng có gì ngoài mấy doanh nghiệp lắp ráp, 20 năm trước ra sao bây giờ vẫn như vậy. Ông Tuấn cho rằng có một thực tế mà ít ai chịu thừa nhận rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã chết lâm sàng, nó đủ tiêu chuẩn để "chết" nhưng người ta không chết.