Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam thất thu 50.000 tỷ mỗi năm vì ưu đãi thuế

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tính toán của Oxfam, vì ưu đãi thuế kéo dài, Việt Nam mỗi năm thất thu 50.000 tỷ đồng, đủ để xây mới 25 bệnh viện.

Đó là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại diễn đàn chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Oxfam Việt Nam vừa tổ chức.
 Ảnh minh họa

Đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh thuế là nguồn tài chính quan trọng cho phát triển, giải quyết nghèo đói và bất bình đẳng. Tuy nhiên ở Việt Nam nguồn thu ngân sách thù thuế đang giảm dần mà nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm từ thuế và dầu thô.

Theo ước tính của Oxfam, tổng ưu đãi thuế thu nhập (TNDN) của Việt Nam bằng 7% tổng thu ngân sách và bằng 5% tổng chi ngân sách. Con số này bằng khoảng 1,4 lần so với chi cho y tế. Ưu đãi thuế đang tập trung vào nhóm DN có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, DN có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong các khu công nghiệp.

Đơn cử năm 2016 mức thuế suất phổ thông là 20% thì thuế suất thực nộp của nhóm này là 10%. Có thể nói những ưu đãi thuế TNDN đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể và làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Theo nghiên cứu của Oxfam nếu cắt giảm các ưu đãi thuế TNDN sẽ giúp tăng thu ngân sách khoảng 20%, trong khi không có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.

Số liệu của OECD cho thấy, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tại Việt Nam tương đương với khoản thất thu bằng 1% GDP. Điều này tương ứng với khoản thất thoát khoảng 50.000 tỷ mỗi năm số tiền đủ để xây mới 25 bệnh viện 1.000 giường.

Khi nguồn ngân sách thu thuế từ các công ty lớn giảm, áp lực đóng thuế VAT của người dân bình thường sẽ tăng lên hoặc dịch vụ công như y tế hay giáo dục bị cắt giảm. Oxfam tin rằng Việt Nam có thể loại bỏ các ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia.

Mặc dù vậy, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách đặt câu hỏi, nếu 10 - 20 năm trước không có các ưu đãi này, liệu có doanh nghiệp nào đầu tư vào Việt Nam? Và nếu họ không đầu tư thì Việt Nam liệu có đạt được các chỉ tiêu kinh tế như hiện nay?

Bởi vậy, vấn đề ưu đãi thuế sẽ có 2 mặt. Trong đó một là gây giảm thu ngân sách, nhưng cũng là chi phí cơ hội bởi nếu không có ưu đãi sẽ không thu hút được nhà đầu tư và Việt Nam khó đạt các mục tiêu tăng trưởng cũng như giảm tỷ lệ thất nghiệp.