Theo kết quả cuộc bầu cử vừa kết thúc tại Đại hội đồng LHQ ở TP New York, Mỹ, Việt Nam đã trở thành một trong 5 Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Việt Nam là một trong 5 nước được chọn vào vị trí trên và là đại diện duy nhất thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với kết quả trên, Việt Nam sẽ thay thế Kuwait tại HĐBA từ ngày 1/1/2020.
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, các nhà ngoại giao Việt Nam và quốc tế đều đánh giá Việt Nam hoàn toàn xứng đáng cho vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đại diện cho Nhóm châu Á Thái Bình Dương bởi những đóng góp tích cực trong các hoạt động đảm bảo hòa bình, an ninh quốc tế.
Tầm quan trọng của Việt Nam trong an ninh quốc tế đã nổi lên từ Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2017 khi Việt Nam tổ chức hết sức thành công sự kiện có sự tham gia của hàng loạt các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam được cả thế giới công nhận là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nền kinh tế của nước ta cũng đã có những tăng trưởng ấn tượng trong 20 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, Việt Nam đã có bước chuyển mình khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006. Tháng 10/2007, Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm thành viên không thường trực của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009 với 183/190 phiếu bầu.
HĐBA có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực và 10 thành viên được bầu với nhiệm kỳ 2 năm. Đây là lần thứ 2 Việt Nam ứng cử vào HĐBA LHQ. Việt Nam từng là thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008 - 2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch HĐBA vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009.
Là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, HĐBA được thành lập nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo Điều 39 của Hiến chương LHQc, HĐBA là cơ quan duy nhất của LHQ có quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe dọa đối với hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành động xâm lược, và sẽ khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành phù hợp với các Điều 41 và 42, để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế.