Việt Nam ủng hộ các chương trình của UNESCO

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực giáo dục và mong rằng UNESCO tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác của các thiết chế quốc tế quan trọng và gia tăng hỗ trợ kỹ thuật cho các nước phát triển để đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Chiều 27/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) của Việt Nam, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận chính sách chung cuộc họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 36, đang diễn ra tại Paris (Pháp).

Bài phát biểu khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những nỗ lực của tổ chức này trong việc thực hiện các cải cách và một số chương trình, sáng kiến trong lĩnh vực khoa học và thông tin, như chương trình Con người và Sinh quyển (MAB), chương trình quản lý biến đổi xã hội (MOST), và giải quyết các vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nêu rõ suy thoái kinh tế cùng những căng thẳng và xung đột xảy ra trên thế giới đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển của UNESCO và đe dọa đến việc hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò của giáo dục, hợp tác và nỗ lực xây dựng hòa bình vì sự ổn định và phát triển trên thế giới. Ông bày tỏ sự hoan nghênh của Việt Nam đối với những ưu tiên về ngân sách mà UNESCO dành cho giáo dục.

Ông cho biết Việt Nam luôn ủng hộ và đẩy mạnh các chương trình “Giáo dục cho mọi người,” “Thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (2005-2014)” và “Thập kỷ xóa mù chữ của Liên hợp quốc (2003-2012).”

Chính phủ Việt Nam đang triển khai kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người (2003-2015), xây dựng xã hội học tập và phát triển mạng lưới Trung tâm học tập cộng đồng. Việt Nam đang tích cực thực hiện dự án xóa mù chữ cho vùng khó khăn giai đoạn 2009-2012…

Ông khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực giáo dục và mong rằng UNESCO tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác của các thiết chế quốc tế quan trọng và gia tăng hỗ trợ kỹ thuật cho các nước phát triển để đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Theo thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, Việt Nam hoanh nghênh vai các trò của UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy di sản vật thể và phi vật thể thế giới và cho rằng các chính sách về di sản đểu không thể tách rời mục tiêu phát triển bền vững.

Ông cũng khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam là ủng hộ sáng kiến đa dạng văn hóa, khẳng định quyền bình đẳng về văn hóa của các dân tộc, đây chính là nền tảng cho sự phát triển hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn một lần nữa khẳng định sự ủng hộ những nỗ lực đóng góp cho hòa bình và phát triển chung trên thế giới của UNESCO và bày tỏ những cam kết của Việt Nam tích cực tham gia các chương trình lớn của UNESCO vì sự phát triển chung của tổ chức.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự phiên họp Đại hội đồng lần này còn tập trung thảo luận các chính sách chung của UNESCO; thông qua Chương trình ngân sách cho hai năm tiếp theo; bầu lại một nửa Hội đồng chấp hành; thông qua Chiến lược trung hạn của UNESCO; kỷ niệm 10 năm thông qua Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần