Theo báo cáo, khoảng 65,9% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới, cao hơn tỷ lệ chung là 57,8%. Mặc dù tỷ lệ này đã giảm trong 2 năm qua, nhưng những khó khăn trong hoạt động kinh doanh cũng khiến kế hoạch, nếu so với Thái Lan và Trung Quốc còn giảm mạnh hơn. Về lợi nhuận kinh doanh, có 60,2% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trả lời là có lãi, thấp hơn tỷ lệ trung bình là 67,5% của khối các nước ASEAN, nhưng cao hơn mức 57,2% tại Trung Quốc. Tuy nhiên, có 34,2% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tin rằng năm 2013 sẽ tốt hơn đối với họ, tăng 13,8% so với năm ngoái. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, con số trên là tín hiệu lạc quan vì nó chứng tỏ Việt Nam vẫn là mảnh đất đầu tư đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Nhật Bản vốn đòi hỏi rất cao về trình độ nhân công, trình độ sản xuất...
Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Anh
Tuy nhiên, trong khi đánh giá cao triển vọng kinh tế và tiềm năng của thị trường, các doanh nghiệp Nhật Bản "chê" Việt Nam vì chi phí nhân công hiện nay là 18,3%, cao hơn mức 16,8% của toàn khối ASEAN, tỷ lệ tăng tiền lương của Việt Nam cũng ở mức cao là 19,7% trong năm 2012, dự kiến sẽ tiếp tục tăng 17,5% trong năm 2013. Đặc biệt, một trong những điểm khiến sức cạnh tranh của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực là tỷ lệ nội địa hóa chỉ ở mức 27,9%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung là 47,8% và so với mức 60,8% của Trung Quốc hay 52,9% của Thái Lan, thậm chí Indonesia cũng đã đạt mức 43,3%.
Phát biểu tại buổi họp, ông Hirokazu Yamaoka nhấn mạnh, bản báo cáo là tiếng nói chân thực của các doanh nghiệp Nhật Bản và hy vọng các cơ quan chức năng đưa ra nhiều biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam. Theo ông, việc Việt Nam mở cửa đón nhà đầu tư nước ngoài chậm hơn Thái Lan khoảng 20 - 30 năm là một hạn chế nhưng cũng là cơ hội vì có thể học hỏi được những kinh nghiệm của quốc gia này trong việc đưa ra chính sách hợp lý để thu hút vốn FDI. Trong khi đó, ông Bùi Văn Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT cho rằng, để vượt qua Thái Lan và duy trì, nuôi dưỡng khí thế đầu tư của Nhật Bản, Việt Nam cần đặt mục tiêu thu hút 20 tỷ USD mỗi năm, trong đó chủ yếu là thu hút các doanh nghiệp có trình độ kỹ thuật cao để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý.