Việt Nam xin gia nhập Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/9, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký và chính thức trình Thư của Việt Nam xin gia nhập Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế.

Việt Nam xin gia nhập Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế - Ảnh 1

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình Thư của Việt Nam xin gia nhập Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế. - Ảnh: moj.gov.vn

Cũng trong ngày 28/9, Chính phủ Hà Lan đã có Thư gửi Tổng Thư ký Hội nghị La Haye về Tư pháp quốc tế giới thiệu và đề nghị Hội nghị La Haye xem xét chấp nhận đề nghị của Việt Nam xin gia nhập tổ chức này. Tổng Thư ký Hội nghị La Haye đã ký Thư gửi tất cả các quốc gia thành viên đề nghị xem xét bỏ phiếu chấp nhận tư cách thành viên của Việt Nam.

Như vậy, trong vòng 6 tháng kể từ ngày 28/9/2012, theo quy định tại Điều 2 của Quy chế Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế, nếu được đa số các nước thành viên chấp nhận, Việt Nam sẽ chính thức trở thành thành viên của tổ chức uy tín bậc nhất trong lĩnh vực tư pháp quốc tế này.

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực, cùng với việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, với phương châm chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh đó, việc gia nhập Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế của Việt Nam là thực sự cần thiết.  Mục tiêu tôn chỉ của tổ chức này hoàn toàn phù hợp với chính sách, chủ trương hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Việc gia nhập Hội nghị La Haye - tổ chức mang tính chuyên môn cao về khoa hoc tư pháp quốc tế tiếp tục thể hiện bước tiến quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của  chúng ta vào đời sống pháp lý quốc tế, đồng thời là minh chứng thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung trong việc cùng hỗ trợ nhau giải quyết những yêu cầu pháp lý về tư pháp quốc tế.

Hội nghị La Haye về tư pháp quốc tế là một thiết chế được hình thành từ năm 1893, theo sáng kiến của nhà luật học T.M.C. Asser (người đã được trao giải Nobel vì hoà bình năm 1911). Phiên họp thứ 7 của Hội nghị được tổ chức năm 1951 đã đánh dấu một kỷ nguyên mới, với sự ra đời của Hiến chương của Hội nghị La Haye có hiệu lực ngày 15/7/1955. Hội nghị La Hay chính thức trở thành một tổ chức quốc tế liên Chính phủ.

Hiện nay, tổ chức này gồm 72 thành viên từ mọi châu lục.

Ngay từ khi thành lập, Hội nghị La Haye đã xác định tầm nhìn trong khuôn khổ hoạt động của mình bao gồm: hành động vì một thế giới trong đó các cá nhân, tổ chức mà cuộc sống và hoạt động của mình liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau được hưởng mức độ an toàn pháp lý cao; thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp một cách có trật tự và hiệu quả, quản trị tốt và pháp quyền, trong khi vẫn tôn trọng sự đa dạng của các truyền thống pháp luật.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần