Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vietcombank: Có điều kiện sẽ giảm lãi suất cho vay

Nguyên Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ra thông điệp yêu cầu ngành Ngân hàng phải quyết liệt tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất từ đó giảm chi phí vay vốn cho DN.

PV đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phạm Thanh Hà - Phó TGĐ phụ trách Khối vốn của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) xung quanh vấn đề này.
Năm 2017 được nhận định là 1 năm rất áp lực đối với ngành NH. Trong phiên họp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa chỉ đạo hệ thống NH tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay ra. Ông đánh giá về dư địa để giảm lãi suất sẽ như thế nào trong năm 2017?
- Với diễn biến kinh tế vĩ mô hiện nay, lãi suất USD quốc tế dự kiến tăng và áp lực lạm phát, việc ổn định mặt bằng lãi suất của năm 2017 là nỗ lực lớn của các ngân hàng.
Phó TGĐ phụ trách Khối vốn của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Phạm Thanh Hà.
VCB luôn quán triệt chỉ đạo của NHNN, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân và DN trong nước tiếp cận vốn, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Tại VCB, do đã kiểm soát và xử lý được nợ xấu, cùng với các biện pháp như tiết giảm chi phí quản lý nên sẽ có dư địa để ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và DN khởi nghiệp.
VCB luôn sẵn sàng đồng hành, sẻ chia với người dân và DN. VCB khẳng định luôn áp dụng lãi suất cho vay ở mức thấp hơn mặt bằng lãi suất chung của thị trường.
Theo quan điểm của ông, những yêu cầu này cần được cụ thể hóa như thế nào?
- Đầu năm 2017, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN với những chỉ đạo hành động cụ thể, sát sao đối với mọi mặt hoạt động của các ngân hàng, thể hiện quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc tạo lập niềm tin của người dân và phát triển một cách an toàn, minh bạch của toàn hệ thống, đòi hỏi các ngân hàng phải có những nỗ lực rất lớn để hoàn thành yêu cầu của NHNN.
Tại VCB, ngay từ đầu năm, VCB đã quán triệt và nghiêm túc thực hiện triển khai chỉ đạo của NHNN, tuân thủ chặt chẽ mọi quy định liên quan trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng. Trong đó, đối với hoạt động tín dụng: Tăng trưởng tín dụng an toàn và hiệu quả; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao... và đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ. Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng. Tiếp tục kiện toàn năng lực quản trị rủi ro, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
 
Ông có thể nói rõ hơn về các biện pháp của ngân hàng?
- Đối với công tác huy động nguồn vốn: Trên cơ sở uy tín và danh tiếng; chất lượng dịch vụ tốt, chuyên nghiệp; VCB chú trọng thu hút nguồn vốn giá rẻ, linh hoạt trong cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí quản lý... từ đó, có thể giảm thiểu chi phí huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Đối với công tác quản trị điều hành, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, nâng cao năng lực hệ thống công nghệ thông tin, kiểm soát chất lượng tài sản...: VCB đang triển khai hàng loạt các dự án chuyển đổi, kiểm toán nội bộ, quản lý tài sản nợ - tài sản có, quản trị rủi ro... nhằm đưa VCB trở thành một trong những ngân hàng tiên phong, quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế.
Đối với đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 cũng như đề án phát triển VCB: Đến nay, VCB là ngân hàng đầu tiên và duy nhất hoàn tất việc xử lý nợ xấu tại VAMC. VCB sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu cũng như đề án phát triển ngân hàng theo phê duyệt và chỉ đạo của NHNN, phấn đấu thực hiện mục tiêu là ngân hàng số 1 Việt Nam và thuộc Top 300 ngân hàng hàng đầu trên thế giới vào năm 2020.
Xin cám ơn ông!