VCB đã triển khai hàng loạt giải pháp ưu đãi dành cho khách hàng như giảm lãi suất cho vay giai đoạn 1, triển khai chương trình cho vay mới với qui mô dư nợ 30.000 tỷ đồng với lãi suất siêu thấp từ 4,5 - 5% năm; giảm lãi suất cho vay giai đoạn 2 với tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 90.000 khách hàng với quy mô tín dụng là 300.000 tỷ đồng (chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại VCB); đồng thời giảm đồng loạt lãi suất tiền vay giai đoạn 3 là hơn 85.000 khách hàng cá nhân với quy mô tín dụng là 64.000 tỷ đồng. "VCB phải quyết tâm cao, tập trung các giải pháp, như lời của Thủ tướng Chính phủ đã nói “Khó khăn một thì nỗ lực hai” để thực hiện các mục tiêu đề ra trong những tháng còn lại của năm 2020" - Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành 'Ngay từ giai đoạn đầu dịch Covid-19, VCB đã chủ động cùng với Vinacomin thống nhất giải pháp chia sẻ khó khăn như: Tăng hạn mức tín dụng từ 3.000 tỷ đồng theo kế hoạch lên 9.000 tỷ đồng; Giảm lãi suất vay tại VCB, giúp Tập đoàn thực hiện những dự án lớn, trọng điểm để phát triển. Việc giảm lãi suất với nhiều ưu đãi của VCB giúp Vinacomin giảm được chi phí trong giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời giảm thiểu chi phí tài chính hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất kinh doanh của ngành" - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn |
Vietcombank cùng doanh nghiệp vượt khó
Kinhtedothi - Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng khó cho vay đầu ra nhưng với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) vẫn là một điểm sáng về mức tăng trưởng cao trong toàn hệ thống ngân hàng.
VCB đã chủ động, tiên phong triển khai các giải pháp chia sẻ, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo chủ trương của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Giữ nhịp tăng trưởng
Tổng Giám đốc VCB Phạm Quang Dũng cho biết: Với diễn biến bất thường của môi trường kinh tế trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế nói chung và VCB nói riêng.
Ban lãnh đạo VCB đã có các biện pháp kịp thời nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19, vừa bám sát tình hình thực tiễn để đưa ra các quyết sách bảo đảm tăng trưởng hiệu quả, bền vững. Nhờ đó, hoạt động của VCB đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, huy động vốn giữ nhịp tăng trưởng phù hợp với tình hình sử dụng vốn.
Nguồn vốn huy động thị trường I đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2020 đạt trên 772.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với đầu năm, trong đó tín dụng bán lẻ chiếm hơn một nửa dư nợ ghi nhận mức tăng trưởng 7,4% trong nửa đầu năm. Lãnh đạo VCB đánh giá, mức tăng trưởng này là một điểm sáng trong toàn hệ thống, mặc dù nếu so với chỉ tiêu 14 - 15% đề ra cho năm nay, VCB mới chỉ hoàn thành 1/3 chặng đường.
Tín dụng vẫn là nguồn thu chính của VCB dù trong nhiều năm qua bên cạnh việc ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh các thu nhập phi tín dụng như bancasurrance, bảo lãnh phát hành chứng khoán, đầu tư chứng khoán và trái phiếu… Cụ thể, trong quý II/2020, lãi từ dịch vụ VCB tăng 7,5% so với cùng kỳ, đạt 1.156 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 17,3% đạt 821 tỷ đồng; Lãi từ chứng khoán kinh doanh tăng 75,8% đạt 33 tỷ đồng; Thu nhập góp vốn mua cổ phần tăng 122% đạt 360 tỷ đồng.
Khảo sát nhu cầu vốn từng doanh nghiệp
Với vai trò là đơn vị dẫn đầu trong ngành tài chính - ngân hàng, đồng thời xác định được trách nhiệm của mình với xã hội và Chính phủ, VCB đã triển khai hàng loạt những chương trình ưu đãi, những chính sách để hỗ trợ tập trung chính vào chính sách cấp tín dụng để đồng hành cùng DNNVV tái thiết các hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hoạt động này đã góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền.
Ngoài ra, VCB còn đồng hành cùng với khách hàng rà soát đánh giá các phương án sản xuất kinh doanh, cân đối tài chính, dòng tiền để có những tư vấn và hỗ trợ phù hợp cho khách hàng. Tập trung tối đa nguồn lực chủ động hỗ trợ các DN thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 như vận tải, du lịch, khách sạn, nhà hàng, DN xuất nhập khẩu…Dựa trên việc đánh giá dòng tiền, đánh giá thiệt hại, khảo sát nhu cầu vốn từng DN, từng ngành nghề.
Về sản phẩm, ngoài các sản phẩm vay vốn lưu động đơn thuần, VCB đưa ra các gói tín dụng chuyên biệt cho từng ngành, đẩy mạnh các chương trình, sản phẩm cho vay DNNVV thuộc chuỗi sản xuất kinh doanh, DN vệ tinh, DN trong ngành công nghiệp phụ trợ và một số ngành kinh tế quan trọng của đất nước để hướng đến việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ tổng thể, đem nhiều lợi ích nhất cho DN.
Tổng dư nợ của các khách hàng có gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được VCB giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay là trên 8.200 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nhiều trường hợp trong tổng số hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được VCB xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.
Bên cạnh đó, nhằm chia sẻ đồng hành cùng với khách hàng vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, VCB đã giảm lãi suất, giảm phí giao dịch chuyển tiền VND trong nước ngoài hệ thống cho khách hàng tổ chức, DN đối với kênh quầy và kênh dịch vụ ngân hàng điện tử để hỗ trợ DN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kỳ vọng vào nửa cuối năm
Lãnh đạo VCB cho rằng, nếu tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra cho cả năm 2020 là 10% trong 6 tháng còn lại của năm (tức 6 tháng cuối năm tín dụng tăng gấp đôi 6 tháng đầu năm), thì lợi nhuận của ngân hàng sẽ tăng vọt, vượt mức 1 tỷ USD năm 2019. Một lý do nữa khiến Vietcombank có thể tăng tốc lợi nhuận là nợ xấu được kiểm soát tốt giúp tăng hoàn nhập dự phòng.
VCB cũng đã thắt chặt chi phí hoạt động trong quý II/2020 làm cho khoản chi phí này giảm tới 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 3.118 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro cũng được ngân hàng này kiềm chế, chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, ở mức 1.856 tỷ đồng, khác hẳn so với quý I vừa qua.
Chủ tịch HĐQT VCB Nghiêm Xuân Thành chia sẻ, trong 6 tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng những thời cơ phía trước cũng rất lớn. Hệ thống VCB với nền tảng thương hiệu, uy tín, chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá tốt nhất thị trường, cần phải thực hiện mục tiêu kép: Thứ nhất là phải bảo đảm tăng trưởng trong bối cảnh tình hình kinh tế đang suy giảm; thứ 2 là bảo đảm kinh doanh hiệu quả, từ đó bảo đảm thu nhập cho người lao động.