Vượt khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu 2022
Thông tin tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2023, Ban lãnh đạo Vietcombank cho biết, năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động kép từ hậu quả của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraina, bám sát chỉ đạo điều hành của NHNN, Ban lãnh đạo Vietcombank đã định hướng, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nhất quán xuyên suốt để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Cụ thể:
Kết thúc năm 2022, huy động vốn thị trường 1 của ngân hàng đạt khoảng 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm phần trăm so với 2021 (tương đương khoảng 428.000 tỷ đồng).
Tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được NHNN giao. Tín dụng bán buôn tăng trưởng 18,5%. Tín dụng bán lẻ tăng trưởng ở mức 19,4% so với năm 2021.
Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt.
Tổng dư nợ xấu là 7.662 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt khoảng 465%.
Thu nhập ngoài lãi tăng gần 9,2% so với năm 2021, hoàn thành 108,7% kế hoạch năm 2022. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng gần 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm 2022.
NIM đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,84% và 24,25%.
Vietcombank tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất trên TTCK Việt Nam, lọt vào Top 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất thị trường năm 2022 theo Reuter.
Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính ngân hàng nói riêng đứng trước nhiều thách thức, Vietcombank luôn đồng hành chia sẻ khó khăn với khách hàng. Trong 2 tháng cuối năm 2022, Vietcombank đã giảm 1% lãi suất cho vay đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, Vietcombank tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội với tổng cam kết 491 tỷ đồng trong năm 2022.
Đặc biệt, trong năm 2022, Vietcombank đã hoàn thành việc xây dựng phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, đáp ứng tiến độ của NHNN.
Nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém
Về các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra trong năm nay, Vietcombank phấn đấu tín dụng tăng 12,8%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2022, nợ xấu dưới 1,5%…
Trong năm 2023, hệ thống Vietcombank sẽ bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ năm 2023 và Chỉ thị 01 của NHNN, kết nối với mục tiêu chiến lược phát triển Vietcombank và quán triệt phương châm hành động: “Chuyển đổi, Hiệu quả, Bền vững”, quan điểm chỉ đạo điều hành “Trách nhiệm - Quyết liệt - Sáng tạo” triển khai thành công các mục tiêu kinh doanh chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Vietcombank. Theo đó, Vietcombank sẽ tập trung thực hiện 6 đột phá:
Triển khai Chương trình hành động chuyển đổi số và Kế hoạch hành động chuyển đổi đúng tiến độ đã phê duyệt, đảm bảo chất lượng; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nguồn nhân lực thích ứng cho chuyển đổi số; Phát triển văn hóa số và ứng dụng phương pháp làm việc Agile; Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu hoạt động; phát huy thế mạnh tổng thể của toàn hệ thống Vietcombank; Đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng, phát triển sản phẩm; Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; Triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém.
Đại diện Vietcombank nhấn mạnh, 3 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh gồm có: Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững: Gia tăng tỷ trọng và chất lượng tài sản đảm bảo trong tổng dư nợ; Tăng trưởng tín dụng bán buôn gắn với phát triển khách hàng và dịch vụ; Tăng trưởng tín dụng bán lẻ, tín dụng tại phòng giao dịch đồng thời với việc đảm bảo chất lượng tín dụng; Thứ hai, phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ. Mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số và nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng; Thứ ba, cơ cấu danh mục nguồn vốn theo hướng gia tăng hiệu quả. Phát triển mạnh mẽ vị thế tạo lập thị trường của Vietcombank.
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú đã ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của Vietcombank trong năm 2022, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2022; luôn tiên phong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện tốt công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; tiếp tục là một trong những ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số ứng dụng CNTT và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động….
Đặc biệt Vietcombank tích cực phối hợp cùng với các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD tham gia vào công tác hoàn thiện thể chế về tiền tệ, ngân hàng; năng lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản trị, điều hành, đoàn kết nội bộ và phát triển văn hoá, thương hiệu Vietcombank tiếp tục được Hội đồng quản trị, Ban điều hành Vietcombank quan tâm hoàn thiện, phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, xứng đáng là một trong các ngân hàng hàng đầu về chuẩn mực và hiệu quả trong hoạt động ngân hàng;
Phó Thống đốc nhấn mạnh, năm 2023, Vietcombank cần tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ đạo dẫn dắt thị trường; tiên phong trong việc chấp hành các chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến lãi suất, tỷ giá, ngoại tệ, tín dụng; xây dựng và triển khai có hiệu quả phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 và nhiệm vụ trọng tâm tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính cho Vietcombank; tiếp tục phấn đấu duy trì vị thế hàng đầu trong công tác chuyển đổi số, trong ứng dụng công nghệ thông tin, trong hoạt động ngân hàng; tiếp tục chú trọng thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động ngân hàng; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch mà NHNN sẽ giao cho Vietcombank trong năm 2023.