Vietjet Air kỷ luật và sa thải nhân viên sau vụ hạ cánh nhầm hy hữu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến sự cố hạ cánh nhầm đi Đà Lạt tới Cam Ranh hôm 19/6/2014, hãng hàng không Vietjet Air đã vừa có quyết định kỷ luật và sa thải với một số nhân viên tổ bay và điều phái bay của hãng do lỗi tác nghiệp dẫn đến vụ việc hy hữu này.

Theo đại diện Vietjet Air, ngay sau khi Cục Hàng không Việt Nam có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với một số nhân viên tổ bay và điều phái bay của hãng do lỗi tác nghiệp trong sự cố trên, hãng đã có quyết định kỷ luật rất nghiêm khắc các nhân viên này.

Cụ thể, hình thức kỷ luật mà hãng đưa ra với mức thấp nhất được áp dụng là cảnh cáo, đình chỉ công việc, buộc huấn luyện lại, giảm ít nhất 1 bậc lương, không bổ nhiệm quản lý trong thời gian ít nhất 1 năm. Tất cả những nhân viên liên đới đến sự việc này đều phải bồi thường thiệt hại của Công ty do lỗi vi phạm, bất cẩn của mình.

“Đặc biệt, nhân viên điều phối bay, bên cạnh việc bồi thường thiệt hại còn phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất là sa thải,” đại diện Vietjet Air cho hay.

Theo vị đại diện này, đây chính là quyết định của Ban lãnh đạo Công ty trong chủ trương nghiêm túc, quyết liệt chấn chỉnh mọi hoạt động, nhằm nâng cao một bước chất lượng vận hành và phục vụ hành khách.

Trước đó, ngày 19/6, Cục Hàng không Việt Nam nhận được báo cáo tàu bay A320 mang số đăng ký quốc tịch VN-A692 của Công ty cổ phần Hàng không VietJetAir thực hiện chuyến bay VJ8575 theo chặng bay Hà Nội-Cam Ranh. Tuy nhiên, toàn bộ hành khách, hành lý và hàng hóa được chuyên chở trên chuyến bay VJ8575 lại có hành trình theo vé đi Đà Lạt.
Vietjet Air sa thải và kỷ luật nhân viên sau vụ hạ cánh nhầm ngày 19/6. (Ảnh: Vietjet Air cung cấp)
Vietjet Air sa thải và kỷ luật nhân viên sau vụ hạ cánh nhầm ngày 19/6. (Ảnh: Vietjet Air cung cấp)
Ngay khi sự cố xảy ra, Vietjet Air đã liên hệ với Cục Hàng không đề nghị cấp phép bay bổ sung mang số hiệu VJ 8575D để vận chuyển toàn bộ hành khách, hành lý và hàng hóa của chuyến bay VJ8575 đến Đà Lạt. Chuyến bay bổ sung mang số hiệu VJ 8575D đã hạ cánh tại Đà Lạt lúc 21 giờ 50 phút.

Cục Hàng không Việt Nam xác định đây là sự cố khai thác bay nghiêm trọng nên ngày 20/6 đã ra quyết định thành lập nhóm điều tra nhằm xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và tổ chức giám sát đặc biệt đối với hoạt động tàu bay của Vietjet Air kéo dài một tháng, bắt đầu từ 26/6-26/7.

Nhóm điều tra đã đưa ra kết luận ban đầu về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến xảy ra sự cố khai thác bay nêu trên là do nhân viên điều phái bay, tổ bay và tổ tiếp viên của Vietjet Air không thực hiện đúng quy trình khai thác.

Đối với việc xử lý vi phạm hành chính đối với sự cố này, Công văn của Bộ Giao thông Vận tải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Cục Hàng không đã tiến hành đình chỉ Giấy phép người lái tàu của Cơ trưởng Pavel Ondrej, Cơ phó Amin Hassiri và Tiếp viên trưởng Phan Thị Hương Trang với thời hạn 30 ngày kể từ ngày tạm đình chỉ giấy phép để Vietjet Air thực hiện kiểm điểm trách nhiệm và huấn luyện lại các quy trình khai thác và kỹ năng phối hợp tổ bay.

Công văn cũng thông báo việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm Phó giám đốc trực chỉ huy khai thác khu sân bay Quốc tế Nội Bài ngày 19/6, đình chỉ công việc đối với Trưởng cơ sở thủ tục bay Nội Bài và Phó trưởng Cơ sở thủ tục bay Nội Bài trực chỉ huy ngày 19/6 đến hết ngày 31/7 để thực hiện kiểm điểm trách nhiệm và huấn luyện lại các quy trình thủ tục bay; đình chỉ giấy phép của nhân việc trực hiệp đồng Đài kiểm soát không lưu Nội Bài thuộc Công ty Quản lý bay miền Bắc đến ngày 10/7, đình chỉ công việc Giám đốc Trung tâm điều hành bay của Vietjet Air đến ngày 1/8...

Liên quan đến việc giám sát đặc biệt (từ 26/6-26/7) thực hiện tại VietJet Air sau sự cố chở nhầm khách đi Đà Lạt tới Cam Ranh, đoàn giám sát của Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo sơ bộ trong đó đã chỉ ra 61 điểm tồn tại cụ thể đối với công tác kỹ thuật máy bay, dịch vụ khai thác, bảo dưỡng, huấn luyện đào tạo, cấp chứng chỉ nhân viên…

Tuy nhiên, theo đại diện đoàn giám sát, Vietjet Air đã khắc phục ngay được khoảng 90%, chỉ còn một số vấn đề cần có lộ trình và chậm nhất có thể khắc phục vào ngày 30/7.

Bên cạnh đó, công tác nhân sự là một vấn đề trước đây được cơ quan quản lý băn khoăn nhất đối với Vietjet Air do hãng tăng trưởng khá nhanh. Đến nay, theo đánh giá của đoàn giám sát, hãng đã đảm bảo nhân lực khai thác ở quy mô 15 máy bay với 150 phi công và 240 tiếp viên, tương đương 60 tổ. Như vậy, bình quân có 4,8 phi công trên một máy bay là đã có mức độ dự phòng tốt khi quá trình khai thác có phát sinh.

Đoàn giám sát sẽ có báo cáo với Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải xem xét có thể kết thúc trước thời hạn việc giám sát đặc biệt đối với Vietjet Air và chuyển giao công tác giám sát hàng ngày cho các cảng vụ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần