Viettel và "nỗi khổ" thống lĩnh thị trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được công nhận là doanh nghiệp đang thống lĩnh thị trường viễn thông nhưng nhà mạng Viettel liên tục xin từ bỏ "danh hiệu" này.

"Khổ" vì dẫn đầu thị trường

Theo quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kể từ ngày 15/6/2015, Viettel là DN duy nhất được công nhận là đang thống lĩnh thị trường viễn thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, lại có sự ngược đời khi việc được công nhận ngôi vị số 1 này không làm Viettel "vui" mà trái lại các đối thủ chính của họ là Vinaphone và Mobipone như "mở cờ trong bụng".
Bị nâng lên vai trò thống lĩnh thị trường sẽ khiến Viettel khó khăn hơn nhiều trong việc cạnh tranh với các nhà mạng khác
Bị nâng lên vai trò thống lĩnh thị trường sẽ khiến Viettel khó khăn hơn nhiều trong việc cạnh tranh với các nhà mạng khác
Sở dĩ Viettel không thích danh hiệu này là bởi, theo Luật Cạnh tranh và Luật Viễn thông, các DN thống lĩnh thị trường sẽ bị quản lý chặt hơn từ cơ quan quản lý. Đơn cử trong việc thay đổi giá cước và thực hiện khuyến mại giảm giá dịch vụ thì sẽ phải đăng ký với Cục Viễn thông và chỉ được phép triển khai sau khi Cục chấp thuận. Ngoài ra, DN dạng này cũng không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.

Đối với các DN được xếp sau như Vinaphone và Mobifone lại "dễ thở" hơn nhiều. Mỗi khi muốn điều chỉnh giá cước và thực hiện khuyến mãi giảm giá họ chỉ cần thông báo với Cục Viễn thông là xong. Không những thế, các nhà mạng này còn có thể ban hành giá cước thấp hơn giá thành miễn sao mức giá mới là hợp lý, không quá bất bình thường so với giá cước trung bình và gây mất ổn định thị trường.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ TT&TT, hiện Viettel đang chiếm hơn 52% thị phần, còn Vinaphone và Mobifone đang cùng nắm giữ khoảng 18% thị phần. Và dĩ nhiên, khi được tạo điều kiện thoải mái hơn về khuyến mãi cũng như giá cước, các nhà mạng còn lại hoàn toàn có thể khiến thị trường phải chia lại.

Không chịu bị thu hẹp, ngay sau đó, Viettel đã đề nghị lên Bộ TT&TT giữ nguyên vị trí của 3 nhà mạng như trước, không nên có sự thay đổi để tránh cuộc chiến cạnh tranh về giá cước, có nguy cơ gây xáo trộn thị trường viễn thông. Tuy nhiên yêu cầu này đã bị phía cơ quan quản lý Nhà nước bãi bỏ.

Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, một lần nữa Viettel lại nhắc lại việc từ bỏ vai trò DN thống lĩnh thị trường. Ông Hoàng Sơn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, quy định trên không còn phù hợp với tốc độ phát triển hiện nay của thị trường viễn thông. Ngay cả khi tham gia thị trường viễn thông tại các quốc gia khác, Viettel cũng phải cạnh tranh bình đẳng mà không nhận được bất kỳ ưu đãi nào, ông này đưa ra dẫn chứng.

"Đối với thị trường trong nước, Viettel cũng cần được đối xử công bằng như các nhà mạng khác, cụ thể là không phân biệt trong quản lý và quy định giá cước viễn thông", ông Sơn khẳng định.

Bộ vẫn nói "không"

Tuy nhiên cũng giống như với lần đề xuất trước đó của Viettel, phía Bộ TT&TT vẫn không đồng ý, đồng thời khẳng định sẽ giữ nguyên vai trò thống lĩnh thị trường của nhà mạng này.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, việc phân chia DN thống lĩnh là nhằm đảm bảo thị trường viễn thông có được cũng như duy trì sự cạnh tranh lành mạnh, không để xuất hiện một hoặc hai DN quá lớn lấn át hết các doanh nghiệp khác.

Với việc Viettel chiếm tới hơn 50% thị phần nhưng lại muốn được đối xử công bằng với DN viễn thông khác, vậy điều đó có công bằng không, Thứ trưởng Thắng đặt câu hỏi ngược lại cho phía Viettel.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc Viettel là nhà mạng duy nhất thống lĩnh là nhằm đảm bảo cho thị trường viễn thông phát triển lành mạnh. Bên cạnh lợi thế hơn các nhà mạng khác về thị phần, Viettel còn có ưu thế lớn để cạnh tranh là chế độ lương đặc thù.

"Mặc dù cùng là DN hoạt động trong cùng lĩnh vực nhưng Viettel lại có cơ chế trả lương thoáng hơn nhiều so với Vinaphone và Mobifone. Nhờ đó, Viettel có thể hút người tài từ các nơi khác, thậm chí là ngay cả từ các nhà mạng đối thủ một cách dễ dàng, trong khi Vinaphone và Mobifone đều không làm được như vậy", Bộ trưởng nêu dẫn chứng.

Được biết, hiện Viettel đang được thực hiện cơ chế khoán lương trên doanh thu trừ chi phí trước lương. Theo đó, DN này khoán 50% quỹ lương dựa trên giá trị tăng thêm nhằm khuyến khích các đơn vị, chi nhánh hạch toán phụ thuộc phải liên tục tạo ra doanh thu mới.

Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh từng đánh giá rằng, để Viettel có được ngày hôm nay, khoán quỹ lương chính là điểm mấu chốt, qua đó thu hút được người tài. Điều này lý giải tại sao, ban đầu Viettel chỉ là một DN nhỏ với số vốn chỉ 34 tỷ đồng nhưng sau hơn 10 năm đã đứng số 1 trong thị trường viễn thông Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần