Vinaconex nặng gánh nợ xấu, tồn kho

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những tai tiếng liên quan đến quá trình thoái vốn cũng như “nghi án” mua bán hóa đơn, “vận hạn” có vẻ vẫn bám lấy Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) khi DN này đang nặng gánh với hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu và hàng tồn kho.

 Công ty CP Xi măng Cẩm Phả (trong ảnh) vay Vinaconex hơn nghìn tỷ đồng. Ảnh: Tuấn Anh
Hơn 3.000 tỷ đồng tồn kho
Báo cáo tài chính bán niên 2019 đã soát xét của Vinaconex cho thấy, Tổng công ty này hiện vẫn còn khá nhiều khoản nợ xấu có tuổi nợ trên dưới 3 năm, với tổng giá trị gốc hơn 933,137 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý, giá trị được công ty đánh giá có khả năng thu hồi chỉ bằng một nửa, khoảng 480,558 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro phải thu cho các khoản nợ xấu này lên đến 452,578 tỷ đồng. Một số DN có nợ xấu đối với Vinaconex có thể kể đến Công ty CP Xây dựng IDG Việt Nam, Công ty Thủy điện Bản Chát, Công ty Đầu tư xây dựng thương mại An Phát, Công ty Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5, Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội…
Hàng tồn kho cũng là gánh nặng của Tổng công ty này. Theo đó, giá gốc tồn kho cuối kỳ của Vinaconex là 3.184 tỷ đồng, trong đó, trích lập dự phòng tồn kho là gần 58 tỷ đồng. So với số tồn kho đầu kỳ là 3.484 tỷ đồng - con số tồn kho giảm không đáng kể. Ngoài ra, các khoản nợ của các bên liên quan cũng là điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính bán niên của Vinaconex. Khoản phải thu khách hàng là bên liên quan chủ yếu nằm ở An Khánh JSC, đồng thời có một khoản nhỏ khác đối với các công ty như An Quý Hưng, BOT Hà Nội - Bắc Giang, Vinaconex 11. Không chỉ có các khoản nợ từ các quan hệ mua bán hàng hóa, Vinaconex còn có cả những khoản cho vay trực tiếp, trong đó, đáng chú ý nhất là khoản cho vay với Công ty CP Xi măng Cẩm Phả trị giá tới 1.203 tỷ đồng
Một “điểm sáng” được nhắc đến của Vinaconex trong 6 tháng đầu năm là lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty này đạt hơn 312 tỷ đồng, tăng gần 130 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 71,02% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân chính là do trong quý II/2019, lĩnh vực kinh doanh bất động sản của công ty mẹ và công ty TNHH MTV Vinaconex đầu tư có kết quả tốt hơn. Bê cạnh đó, kết quả kinh doanh của lĩnh vực xây lắp và các lĩnh vực khác của công ty mẹ và các công ty con, công ty liên doanh, liên kết vẫn đang duy trì ở mức ổn định và chi phí quản lý DN giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Kiểm toán tiếp tục “nhắc” về khoản phát sinh công nợ sau thanh tra
Tại báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính bán niên soát xét, Công ty Kiểm toán Deloitte nêu ý kiến nhấn mạnh người đọc về thuyết minh số 44. Cụ thể, Thông báo số 132/TB-VPCP ngày 16/6/2016 của Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp xử lý sau thanh tra việc cổ phần hóa Vinaconex có đề cập đến một số vấn đề đã được nêu trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ. “Kết luận về các vấn đề này làm Tổng công ty phát sinh một khoản công nợ chưa xác định được giá trị một cách đáng tin cậy liên quan đến tiền sử dụng đất đối với diện tích các nhà nối của Tổng công ty xây trên đất lưu không tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính cũng như việc hỗ trợ phúc lợi phù hợp cho cộng đồng dân cư sống ở khu vực này. Đến ngày lập báo cáo tài chính giữa niên độ này, Tổng công ty vẫn đang tiếp tục làm việc, giải trình với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thực hiện ý kiến kết luận nêu trên”- ý kiến của Công ty Kiểm toán Deloitte nhấn mạnh.
Giải trình vấn đề này, văn bản do Tổng Giám đốc Vinaconex Nguyễn Xuân Đông ký thừa nhận, Văn bản số 132/TP-VPCP ngày 16/6/2016 là văn bản tiếp theo của Thông báo số 65/TP/VPCP ngày 29/02/2012 về việc xử lý sau thanh tra cỏ phần hóa của Tổng công ty Vinaconex. Nội dung này đã được công ty kiểm tóa nêu ra trong báo cáo tài chính các năm từ 2010 - 2018 và hàng năm Vinaconex đều đã giải trình với các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, báo cáo tài chính quý II/2019 đã công bố và báo cáo tài chính giữa niên độ đã được soát xét cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2019 có sự chênh lệch từ 5% trở lên. Giải trình cho sự chênh lệch này, Vinaconex cho rằng, do báo cáo tài chính đã công bố và báo cáo tài chính giữa niên độ đã được soát xét của một số đơn vị thành viên trong Tổng công ty có sự chênh lệch và phát sinh các vấn đề cần điều chỉnh. Qua soát xét báo cáo tài chính toàn tổng công ty, một số giao dịch nội bộ giữa các đơn vị liên quan được đơn vị kiểm toán rà soát và tập hợp thêm dẫn đến số liệu trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất giữa niên độ và báo cáo kết quả hoạt động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần