Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vinalines bán tàu “siêu” tải để cắt lỗ

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa đề xuất xin được bán tàu Vinalines Trader, có trọng tải 69.614DWT để giảm bớt khó khăn, bất chấp việc có thể lỗ hàng trăm tỷ đồng tiền đầu tư vào con tàu này.

Theo báo cáo của Vinalines, tàu Vinalines Trader được mua vào ngày 24/9/2010 với trị giá hơn 541,3 tỷ đồng, giá trị còn lại đến 30/6/2017 khoảng 105,8 tỷ đồng. Sau khi tính toán, giá trị thu hồi dự kiến của Vinalines đưa ra con số chỉ còn 97 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Lãnh đạo Vinalines cho biết, năm 2010, khi lập dự án và triển khai mua tàu Vinalines Trader, dự kiến giá cho thuê trung bình cho cả đời tàu Vinalines Trader là khoảng 29.000 USD/ngày.
Tuy nhiên, do nguồn cung tàu tăng trong khi nền kinh tế thế giới tại các nước Mỹ, Trung Quốc, châu Âu suy thoái, dẫn đến nhu cầu vận tải nói chung và vận tải biển nói riêng suy giảm mạnh.
Hiện chỉ số cho thuê tàu hàng khô (BDI) rất thấp, trung bình trong 5 - 7 năm qua chỉ dao động quanh mức từ 1.000 - 1.500 điểm, bằng 1/4 - 1/3 mức trung bình của năm 2010.
Giá cước trung bình trên thế giới cho cỡ tàu như Vinalines Trader (với tàu dưới 10 tuổi) trong các năm qua cũng chỉ đạt trung bình khoảng 3.000 - 4.000 USD/ngày. Thậm chí có giai đoạn tàu không có khách hàng thuê hoặc khách hàng trả giá thuê rất thấp chỉ khoảng 2.000 - 3.000 USD/ngày, thấp hơn cả chi phí hoạt động của tàu.
Mặt khác, tàu Vinalines Trader được đầu tư bằng 100% nguồn vốn vay ngoại tệ của ngân hàng thương mại và lãi suất ban đầu rất cao nên có chi phí vốn từ khi khai thác đến thời điểm hiện tại rất lớn, trung bình khoảng 13.500 USD/ngày.
Lãnh đạo Vinalines cho rằng, hiện tàu Vinalines Trader đã có tuổi tàu già, thiết kế lạc hậu, tình trạng kỹ thuật kém, hỏng hóc nhiều, với vòng đời khai thác không còn nhiều, chi phí duy trì hoạt động khai thác phát sinh lớn như sửa chữa, vật tư, phụ tùng, tiêu hao nhiên liệu lớn, cảng phí… Chi phí cho tàu Vinalines Trader trung bình trong 7 năm qua đã đạt khoảng 18.000 USD/ngày.
Chưa kể, thị trường cho phân khúc mà tàu Vinalines Trader đang hoạt động rất khó khăn, cạnh tranh gay gắt. Kết quả sản xuất kinh doanh tàu đến hết 2016 đã lỗ khoảng 641 tỷ đồng. Đặc biệt việc khai thác tàu không đủ bù đắp chi phí hoạt động, càng tiếp tục khai thác tàu thì sẽ phát sinh số lỗ càng lớn và không có khả năng trả nợ.
Mặc dù theo tính toán, dự đoán chỉ có thể thu về hơn 97 tỷ đồng từ việc bán tàu, không đảm bảo thu hồi vốn đầu tư, nhưng lãnh đạo Vinalines nhìn nhận việc bán/thanh lý tàu VinalinesTrader là cấp thiết nhằm cắt lỗ, tái cơ cấu đội tàu, giảm gánh nặng tài chính cho Tổng công ty, đặc biệt khi Vinalines chuyển đổi mô hình hoạt động sang Công ty CP.
Phía Vinalines dự kiến thời điểm bán tàu Vinalines Trader trước 30/6 tới đây theo hình thức bán đấu giá thông qua tổ chức đấu giá chuyên nghiệp. Nếu việc đấu giá không thành công sau một lần tổ chức bán đấu giá sẽ chuyển sang hình thức bán chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế.