Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vinatex tăng lợi nhuận “khủng” trong năm 2018

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ghi nhận lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.532,9 tỷ đồng, bằng 116,4% kế hoạch năm 2018, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, đáng chú ý, lợi nhuận công ty mẹ tăng tới 35% so với cùng kỳ năm 2017.

 Quang cảnh cuộc họp báo
Đó là một trong những thông tin được Giám đốc điều hành Vinatex Cao Hữu Hiếu, cho biết tại buổi họp báo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 diễn ra ngày 28/12, tại Hà Nội.
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tập đoàn thực hiện năm 2018 ước đạt 46.100 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch năm 2018, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.050 triệu USD, bằng 102,3% kế hoạch năm 2018, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu toàn Vinatex ước đạt 48.658,2 tỷ đồng bằng 100,8% kế hoạch năm 2018, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Với kết quả đạt được, đặc biệt là con số lợi nhuận tăng “khủng” tới 35% kể trên, ông Hiếu đánh giá, kết quả của năm 2018 là một chuỗi nỗ lực, được khởi động từ năm 2015 cho đến nay. Vinatex đã kiên trì theo đuổi 1 mục tiêu chiến lược, đó là tăng trưởng chất lượng và bền vững. Tập đoàn chú trọng vào chất lượng đơn hàng, chất lượng khách hàng, phấn đấu giữ vị trí “TOP 5” các nhà sản xuất được khách hàng ưu tiên đặt hàng.
Để đạt được điều đó, Tập đoàn đã tập trung phát triển theo chiều sâu, quan tâm đến việc bảo vệ môi trường xanh, sạch, nâng cấp, thay thế các máy móc thiết bị hiện đại đạt chuẩn quốc tế để sản phẩm đạt được độ chính xác cao hơn, năng suất lao động tăng lên, số lượng lao động đòi hỏi ít đi, thu nhập người lao động tăng lên, nhờ đó đã thu hút được số lượng lớn người lao động. Đồng thời, Tập đoàn lựa chọn các đơn hàng khó, đòi hỏi kỹ thuật cao để giảm thiểu tối đa biến động có thể đến với doanh nghiệp khi thị trường chung gặp khó khăn.
Nêu rõ hơn về vẫn đề này, ông Hiếu phân tích, trong năm 2018, một loạt dự án Vinatex đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2016 bắt đầu thu “trái ngọt”, có lãi. Có dự án, theo tính toán của Tập đoàn phải hết năm 2018 vẫn lỗ, bắt đầu năm 2019 mới có lãi những thực tế năm 2018 đã có lãi. Điều đó đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp lên cao. Điển hình các dự án có thể kể đến như: Sợi Phú Hưng (Thừa Thiên Huế), Sợi Nam Định (Nam Định), Sợi Phú Cường (Đồng Nai). “Các dự án này Vinatex làm chủ đầu từ năm 2015-2016, đến nay đều về đích vượt điểm lỗ trước thời gian được phê duyệt, đóng góp hiệu quả”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2018, năm 2019, Vinatex đặt mục tiêu, so với năm 2018: Giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến tăng 5%; kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng 6% - 8%; doanh thu dự kiến tăng 5% - 7%; lợi nhuận phấn đấu tăng 12% và mức lương bình quân là 8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2018, xuất khẩu dệt may ước đạt 36,164 tỷ USD, tăng 16,36% so với năm 2017. Trong khi đó, xuất khẩu dệt may Trung Quốc năm 2018 ước đạt 266,32 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2017; xuất khẩu dệt may Ấn Độ năm 2018 ước đạt 36,43 tỷ USD, giảm 2,04% so với 2017; xuất khẩu dệt may Bangladesh giảm 3,7% so với cùng kỳ, đạt gần 32,39 tỷ USD; xuất khẩu dệt may Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan tăng nhẹ, lần lượt tăng 7,79% và 5,41%; xuất khẩu dệt may Campuchia đạt 11,428 tỷ USD, tăng 8,2%. Như vậy, so với các nước xuất khẩu dệt may chính, Việt Nam có tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao nhất trong năm 2018, tới hai con số là 16,36%.