Mũi nhọn của mọi hoạt động kinh doanh
Đánh giá về thành quả của Vingroup sau 8 tháng thực hiện chuyển đổi sang công nghệ - công nghiệp, Phó Chủ tịch Vingroup Lê Thị Thu Thủy cho biết, Tập đoàn đã có nhiều bước tiến đáng kể trong việc phát triển cũng như ứng dụng công nghệ trong hầu hết các mảng hoạt động. Tiến tới đưa công nghệ - công nghiệp trở thành mũi nhọn chính trong mọi hoạt động kinh doanh.
Vingroup đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi này ngay từ năm 2017 khi khởi động những dự án lớn như nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện Vinfast, một năm sau đó là thương hiệu smartphone Vinsmart. Với việc đầu tư "khủng" cả về tài chính lẫn nhân sự, Vingroup xác định công nghệ là 1 trong 3 trụ cột chính cùng công nghiệp và thương mại dịch vụ, tiến tới mục tiêu trở thành Tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực trong vòng 10 năm tới.
Sự khác biệt rõ ràng nhất của Vingroup so với nhiều DN của Việt Nam là cách tiếp cận với công nghệ được thực hiện theo nhiều hướng khác nhau. Cụ thể, Tập đoàn tập trung vào sự tự chủ khi đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu công nghệ mới nhưng có tính ứng dụng cao, có thể áp dụng luôn vào các sản phẩm của mình. Có thể thấy rõ nhất định hướng này khi Vintech được tách ra từ Vinsmart để tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới.
Vingroup cũng đầu tư mạnh vào các Startup có tiềm năng để thúc đẩy phát triển. Đáng chú ý, Vintech City sẽ là một “Thung lũng Silicon” tại Việt Nam và là nơi ươm mầm các công ty công nghệ khởi nghiệp. Tại đó gồm các khu văn phòng làm việc tới chỗ ăn ở... và các công ty dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đi kèm. Cùng với trường đại học Vinuni - đây là nơi được Vingroup kỳ vọng sẽ đào tạo ra được nhân lực chất lượng cao cũng như thu hút nhân tài công nghệ trên thế giới về làm việc lại Việt Nam.
Vingroup còn bắt tay với nhiều đối tác lớn trên thế giới để học hỏi và tiếp cận công nghệ lõi nhằm rút ngắn thời gian. Điều này đã được hiện thực qua hàng loạt các dự án hợp tác với nước ngoài trong những lĩnh vực sản xuất ô tô, điện thoại và thiết bị điện tử thông minh. Song hành với đó là việc mở rộng mạng lưới tại các nước có công nghệ phát triển để có thể dễ dàng tiếp cận và tận dụng lợi thế công nghệ của các quốc gia đi trước.
Việc chuyển đổi sang công nghệ - công nghiệp đã giúp Vingroup có được những thành công ban đầu. Vinfast đã làm chủ được các công nghệ phức tạp và đưa 3 mẫu ô tô, 2 mẫu xe máy điện ra thị trường. Đến cuối năm 2020, Vinfast sẽ tiếp tục đưa ra thị trường hơn 10 mẫu xe ô tô và xe máy, tất cả đều là do đội ngũ kỹ sư của Tập đoàn tự thiết kế.
Ngoài ra, cũng phải nói tới Vinsmart. Chỉ sau chưa đầy nửa năm vừa nghiên cứu vừa xây dựng nhà máy, thương hiệu này đã đưa ra thị trường 4 mẫu điện thoại, trong đó chủ động thiết kế được hệ điều hành riêng. Dự kiến trong 2019 này, sẽ có thêm 12 mẫu điện thoại mới được tung ra. Vinsmart còn sắp cho ra đời máy tính bảng và đang nghiên cứu sản xuất điều hòa, TV, tủ lạnh, thiết bị IoT, camera và đang hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G. Phó Chủ tịch VinGroup Lê Thị Thu Thủy khẳng định: Công nghệ là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất và thậm chí là duy nhất tạo nên sự phát triển đột phá cho bất kỳ nền kinh tế nào. Điều này được chứng minh bằng chính thực tế phát triển của Vingroup như đã nói ở trên.
Cần cả động lực và áp lực từ Chính phủ
DN có nguồn lực, không ngại đầu tư vào các lĩnh vực mới nhưng cái họ cần là sự cổ vũ của Chính phủ thông qua những chính sách hỗ trợ, Phó Chủ tịch Vingroup Lê Thị Thu Thủy chia sẻ. Hiện tại vẫn còn nhiều rào cản khiến công nghệ Việt Nam chưa tạo được đột phá như kỳ vọng. Bởi để phát triển công nghệ không chỉ đòi hỏi ý chí và quyết tâm cao mà còn cần nguồn lực mạnh mẽ và cách triển khai hiệu quả từ Nhà nước, DN đến từng người dân.
Chúng ta vẫn thiếu chính sách nhằm thúc đẩy mạnh các công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, như sản xuất ô tô, xe máy điện hay các công nghệ có thể ứng dụng với mục đích nhân đạo. "Để sản xuất những sản phẩm công nghệ cao đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, lợi nhuận thấp. Nếu không có sự vào cuộc của Nhà nước sẽ rất khó khăn cho DN" - bà Lê Thị Thu Thủy chia sẻ.
Bên cạnh đó cũng cần Chính phủ đứng ra chủ trì tổ chức mạnh hơn nữa các mạng lưới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo công nghệ, chú trọng đầu tư hơn nữa cho việc đào tạo các loại hình công nghệ mới trong các trường đại học cũng như đầu tư vào nghiên cứu một số công nghệ lõi để hỗ trợ các DN.
Chính phủ có thể có những biện pháp thúc đẩy, tạo động lực, thậm chí áp lực đối với DN để buộc họ phải chuyển đổi số, bởi đây mới là hướng đi sống còn, “nữ tướng” của Vingroup khuyến nghị.