Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Bảo hút đầu tư kinh tế ven biển Quảng Ninh -Hải Phòng -Thái Bình

Minh Khôi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đang từng bước khẳng định vị thế tiên phong trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

 Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng và khu vực Đông Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng và phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh - Thái Bình trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, hàng đầu Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.

Cơ hội bắt kịp các nước phát triển với hành lang kinh tế ven biển

Kinh tế biển đã và đang đem lại cho các quốc gia có chiến lược bài bản với tầm nhìn dài hạn lợi ích lớn. Theo báo cáo The EU Blue Economy Report 2020, kinh tế biển đem lại cho Liên minh Châu Âu 218 tỷ Euro tăng trưởng giá trị gia tăng (GVA) với lợi nhuận là 94 tỷ Euro. Đối với Mỹ, báo cáo năm 2020 của Tổ chức quản trị đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), kinh tế biển đem lại cho quốc gia này 318 tỷ USD.

Bên cạnh phát triển các ngành kinh tế biển chính để phục vụ phát triển kinh tế đất nước, các quốc gia lớn đều đang có những chiến lược biển để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

Cảng Hải Phòng – lợi thế phát triển kinh tế biển, động lực phát triển của vùng.
Cảng Hải Phòng – lợi thế phát triển kinh tế biển, động lực phát triển của vùng.

Với định hướng phát triển cho khu vực kinh tế Đông Bắc Bộ cùng thủ đô Hà Nội, Nghị quyết14/NQ-CP ngày 8/2/2023 đã thể hiện rõ mục tiêu phát triển cho hành lang kinh tế ven biển gồm các tỉnh Hải Phòng - Quảng Ninh - Thái Bình. Đây sẽ là trọng điểm phát triển kinh tế quốc gia với tổng mức thu hút đầu tư FDI và DDI kỳ vọng chiếm đến hơn 40% tổng mức thu hút đầu tư quốc gia.

Tập đoàn LG có 3 dự án thuộc top 20 dự án Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam đều đặt tại Hải Phòng.
Tập đoàn LG có 3 dự án thuộc top 20 dự án Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam đều đặt tại Hải Phòng.

Chỉ tính riêng Hải Phòng, nhờ vị trí đặc biệt chiến lược trên hành lang kinh tế ven biển, địa phương hiện đang đứng ở top đầu thu hút dòng vốn đầu tư. Năm 2022, Hải Phòng đã thu hút đầu tư lên tới 3,2 tỷ USD. Trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 2,5 tỷ USD với 48 dự án cấp mới, 37 dự án điều chỉnh tăng vốn.

Các dự án thu hút đầu tư 100% vốn trong nước (DDI) đạt trên 16.000 tỷ đồng (0,7 tỷ USD) với 8 dự án cấp mới, 5 dự án điều chỉnh tăng vốn. Lũy kế đến nay trên địa bàn Hải Phòng có 458 dự án FDI với số vốn trên 23 tỷ USD, 202 dự án DDI với tổng số vốn trên 294.721 tỷ đồng (tương đương 12,8 tỷ USD).

Câu chuyện thành công của Hải Phòng trong năm 2022 một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam đang đi đúng hướng.

Vĩnh Bảo - Tập trung hút vốn đầu tư đa ngành

Nằm ở vị trí đặc biệt chiến lược trên hành lang kinh tế ven biển, huyện Vĩnh Bảo hứa hẹn là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Hải Phòng. Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại Vĩnh Bảo được triển khai thúc đẩy giao thương với các địa phương lân cận như Thái Bình, Hải Dương và Quảng Ninh.

Trong tầm nhìn phát triển của thành phố Hải Phòng đến năm 2045, Vĩnh Bảo được hưởng lợi từ việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; dịch vụ logistics...

Cầu Sông Hóa kết nối Vĩnh Bảo (Hải Phòng) với Thái Thụy (Thái Bình).
Cầu Sông Hóa kết nối Vĩnh Bảo (Hải Phòng) với Thái Thụy (Thái Bình).
Quốc lộ 37 qua địa bàn Vĩnh Bảo với tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng thúc đẩy phát triển kinh tế Hải Phòng - Quảng Ninh - Thái Bình.
Quốc lộ 37 qua địa bàn Vĩnh Bảo với tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng thúc đẩy phát triển kinh tế Hải Phòng - Quảng Ninh - Thái Bình.

Đến nay, hàng loạt công trình tại Vĩnh Bảo đã được triển khai như: cầu sông Hóa kết nối huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) với huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) có tổng mức đầu tư 185 tỷ đồng; nâng cấp Quốc lộ 37 dài 7,7 km và xây dựng mới tuyến đường phía tả kênh đào Chanh Dương (huyện Vĩnh Bảo) với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng; tuyến đường nối ĐT354 (huyện Tiên Lãng) đến Quốc lộ 10 (huyện Vĩnh Bảo) có tổng chiều dài 8,1 km tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng.

Đón đầu thời cơ, Vĩnh Bảo đã định hướng tập trung thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, trong đó ưu tiên vào cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp. Trên địa bàn huyện hiện có nhiều khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, nhiều khu có kế hoạch mở rộng trong tương lai: Cụm Công nghiệp Giang Biên, Khu công nghiệp Giang Biên II, Khu công nghiệp Trấn Dương - Hòa Bình,…

Khu công nghiệp Giang Biên 2 - với quy mô lên tới 350ha hứa hẹn là điểm sáng phát triển kinh tế và thu hút dòng vốn đầu tư FDI lên tới hàng tỷ USD trong giai đoạn 2023 - 2028 tại Vĩnh Bảo – thúc đẩy tuyến kinh tế hành lang ven biển Hải Phòng - Thái Bình - Quảng Ninh.
Khu công nghiệp Giang Biên 2 - với quy mô lên tới 350ha hứa hẹn là điểm sáng phát triển kinh tế và thu hút dòng vốn đầu tư FDI lên tới hàng tỷ USD trong giai đoạn 2023 - 2028 tại Vĩnh Bảo – thúc đẩy tuyến kinh tế hành lang ven biển Hải Phòng - Thái Bình - Quảng Ninh.
Khu công nghiệp Trấn Dương - Hòa Bình dự kiến triển khai trong giai đoạn 2023 - 2025 hứa hẹn sẽ là điểm thu hút đầu tư tiềm năng của các doanh nghiệp sản xuất tại Vĩnh Bảo.
Khu công nghiệp Trấn Dương - Hòa Bình dự kiến triển khai trong giai đoạn 2023 - 2025 hứa hẹn sẽ là điểm thu hút đầu tư tiềm năng của các doanh nghiệp sản xuất tại Vĩnh Bảo.

Những công trình trọng điểm này góp phần phát triển nền kinh tế và thu hút đầu tư không chỉ riêng Vĩnh Bảo mà tạo lập sự kết nối kinh tế của một trong những khu vực phát triển kinh tế sôi động nhất khu vực Đông Bắc Bộ. Nhìn từ tiềm năng của hành lang kinh tế ven biển, đời sống kinh tế - xã hội Vĩnh Bảo sẽ vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới.