Vĩnh biệt giáo sư khăn xếp áo dài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tờ mờ sáng hôm qua (24/6), nhạc sĩ, nhà nghiên cứu giàu thâm niên của làng nhạc dân tộc Việt Nam – Giáo sư Trần Văn Khê đã chia tay nhân gian, về với đất mẹ sau gần một tháng chống chọi với bệnh nặng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 94, ông đã kịp để lại cho làng nhạc Việt cả kho kiến thức âm nhạc dân tộc quý mà ông đã dành cả đời để tích lũy, nghiên cứu.
Giáo sư Trần Văn Khê.
Giáo sư Trần Văn Khê.
Giáo sư - Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên đậu Tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp. Không chỉ trở thành giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp), ông còn là thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc, UNESCO, thành viên các hội nghiên cứu âm nhạc của Pháp, Mỹ, Trung Quốc... Trong bề dày hoạt động nghiên cứu, giảng dạy của vị giáo sư đáng kính này, có nhiệt huyết và công sức đáng giá dành cho việc quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.

Hơn nửa thế kỷ sống và nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc ở Pháp, Giáo sư Khê luôn tranh thủ những chuyến về nước ngắn ngủi để tìm hiểu và giao lưu với các nghệ nhân trong nước về nhạc truyền thống. Giới làm âm nhạc truyền thống nhớ ông, giới nghiên cứu cũng mong ông, công chúng yêu nhạc càng trân trọng ông – vị giáo sư danh tiếng nhưng lúc nào cũng chân phương, giản dị, hòa đồng. Nhớ nhất là vị giáo sư già ấy lúc nào cũng ưu ái khăn xếp áo dài, đặc biệt là khi ở bên nhạc cụ dân tộc. Ở tuổi 82 (năm 2003), ông quyết định về định cư tại quê hương. Về theo ông là hàng ngàn cuốn sách, những công trình nghiên cứu, băng video… tất cả tư liệu được ông tích góp trong hàng chục năm nghiên cứu âm nhạc của đời mình. Những tư liệu quý ấy giờ đang được lưu trữ tại Viện Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.

Những người quen thân với giáo sư Trần Văn Khê nói rằng, nhìn ông phong độ vậy, nhưng từ thời trẻ đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Nhưng ông lúc nào cũng lạc quan “chiến đấu” với bệnh tật để có thể trở về “chung tình” với âm nhạc dân tộc Việt Nam. Kể cả những năm gần đây, dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, phải di chuyển trên xe lăn, nhưng tâm huyết mà giáo sư dành cho âm nhạc dân tộc vẫn không phôi phai. Dù mắt kém, ông vẫn ngồi vào bàn làm việc với tâm niệm hệ thống hóa lại kho tư liệu về âm nhạc dân tộc cho thế hệ sau. Và sức khỏe cho phép là ông lại sẵn lòng xuất hiện trong những chương trình hay những buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc. Ông vẫn vậy, khăn xếp áo dài chân phương và nhiệt huyết…

Nhiệt huyết mà ông dành cho nhạc dân tộc phải nói là cả một đời. Bởi 6 tuổi, ông đã biết đàn nguyệt, 8 tuổi biết đàn nhị, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc… Để rồi sau này, chính nhiệt huyết ấy đã mang lại cho vị giáo sư khăn xếp áo dài biết bao giải thưởng danh giá. Nào là Giải thưởng lớn Hàn lâm Viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học, nào là Tiến sĩ danh dự về Âm nhạc Đại học Ottawa (Canada), Giải thưởng lớn về Âm nhạc UNESCO và Hội đồng quốc tế Âm nhạc, rồi Huân chương Nghệ thuật và văn chương cấp Officier do Bộ Văn hóa Chính phủ Pháp trao tặng, Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật Bản)… Với quê hương Việt Nam, ông được trao giải thưởng “Thành tựu trọn đời trong âm nhạc”, Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu, Giải thưởng Đào Tấn…

Theo đúng ý nguyện mà giáo sư để lại trong di chúc viết trên giường bệnh, thi hài ông sẽ được quàn tại tư gia trên đường Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Lễ tang cũng sẽ diễn ra tại ngôi nhà mà vị giáo sư khăn xếp áo dài đã sống phần cuối của cuộc đời này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần