Vĩnh biệt nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông: Kỷ niệm nhỏ về người Anh lớn

Nhà báo Tạ Việt Anh– nguyên Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2010, tôi đang là Phó tổng biên tập báo Hànộimới thì nhận được quyết định của Thành ủy phân công về công tác tại báo Kinh tế&Đô thị để UBND Thành phố bổ nhiệm làm Tổng Biên tập.

Sở dĩ có đến hai quyết định như vậy bởi lúc đó tôi đang là Thành ủy viên khóa XIV của Hà Nội. Là đảng viên, lại tham gia cấp ủy, tôi không thể không tuân theo sự phân công của tổ chức Đảng, nhưng thực sự trong lòng không mấy vui. Đơn giản là tôi chỉ muốn ở lại với tờ báo mà mình đã có nhiều năm gắn bó, đã dồn nhiều tâm huyết, sức lực cho nó, nhất là khi thời gian công tác chẳng còn bao nhiêu.

 Nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông (bên trái) hồi là phóng viên các mặt trận chiến trường quân khu 4, Campuchia, Quảng Ninh, Việt Bắc

Có khá nhiều anh em, đồng nghiệp chia sẻ với tôi trong hoàn cảnh đó, mà người gọi điện đầu tiên cho tôi là anh Vũ Duy Thông, một đồng nghiệp đàn anh mà tôi vô cùng kính trọng, quý mến. Tôi còn nhớ như in điều mà Anh nói với tôi khi đó: Việt Anh ơi, em phải nhớ, khi một cánh cửa đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Biết đâu, đây lại là một cơ hội để em làm dược một điều gì đó có ý nghĩa? Cứ yên tâm, có khó khăn gì, anh sẽ hỗ trợ!

Anh Vũ Duy Thông là thế. Dù đã từng đảm trách những cương vị quan trọng trong các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí, nhưng anh luôn nhỏ nhẹ, không đao to búa lớn. Và cái cách Anh làm việc đã đi vào lòng người, được chứng minh là có hiệu quả từ thực tế công việc mà Anh đảm nhận, nhất là trong những năm giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Báo chí& Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương, một công việc nếu muốn làm tốt, theo hiểu biết và cảm nhận của tôi, vừa phải có năng lực, sự hiểu biết, vừa phải có tấm lòng.

 Nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông
Trở lại câu chuyện của tôi ngày đó. Quả thật, sự chia sẻ chân tình, thiết thực của Anh, một người anh, một đồng nghiệp mà tôi luôn kính trọng về nghề nghiệp và nhân cách đã giúp tôi vững tâm bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời công tác không thể nói là không có những khó khăn, khi mà chỉ còn hơn 4 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu. Và quả thật, đúng như lời Anh nói, trong hơn 4 năm ấy, tôi đã làm được một vài việc có ý nghĩa cho tờ báo mà mình đứng mũi chịu sào, được bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc ghi nhận. Điều quý nhất mà tôi nhận được, chính là sự thương mến, trân trọng của bạn bè, đồng nghiệp, ngày ấy và bây giờ.

Lại nói về lời hứa của Anh. Nói là làm, với uy tín, kinh nghiệm của mình trong làng báo và nghề báo, Anh đã hỗ trợ tôi cùng tờ báo mà tôi phụ trách rất nhiều, đôi khi chỉ là sự có mặt của Anh trong một cuộ họp cộng tác viên. Anh cũng thực hiện lời hứa của mình bằng việc làm cụ thể: Nắm cho tôi một chuyên mục khá “khó nhằn” trên số báo Kinh tế& Đô thị ngày thứ Bảy hàng tuần: Câu chuyện cuối tuần. “Khó nhằn” là bởi với thời lượng chỉ dăm bảy trăm chữ, phải đề cập được một vấn đề mà bạn đọc quan tâm, vừa mang tính thời sự lại không trùng lặp với những bài viết cùng thể loại, vấn đề đã đăng tải trước đó trên các mặt báo ra trong tuần với một cách tiếp cận mới. Vậy mà Anh đã nhận lời và “ cầm” chuyên mục đó giúp tôi suốt mấy năm trời, cho đến lúc tôi nghỉ hưu, hầu như không thiếu số nào, kể cả khi đi công tác xa Hà Nội. Cũng phải nói thêm rằng trong những ngày đầu tôi làm Tổng Biên tập, Kinh tế& Đô thị đang khó khăn về nhiều mặt, nhất là về tài chính nên mức nhuận bút gửi Anh nhiều khi mang tính tượng trưng, thậm chí là còm cõi, chỉ dăm ba trăm ngàn, và có khi cả năm anh mới nhận một lần. Đặc biệt, với chuyên mục này, Anh luôn kí tên Vũ Duy Thông, như một cách “làm sang” cho tờ báo. Điều đó vô cùng đáng quý bởi ở thời điểm đó, với cương vị, uy tín nghề nghiệp của mình, Anh rất bận rộn và không thiếu nơi mong muốn Anh cộng tác.

Nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông đã rời cõi tạm trong niềm tiếc thương của gia đình, những người thân yêu. Chắc sẽ có nhiều bài viết của bạn bè, đồng nghiệp, học trò, người thân… về những điều tốt đẹp Anh để lại cho cuộc đời này. Với tôi, trong nhiều, rất nhiều kỷ niệm đã có với Anh, chỉ xin nhắc lại một kỷ niệm nhỏ nhưng khẳng định trong tôi hình ảnh của một người Anh lớn.
Vô cùng nhớ Anh!
Hà Nội, 30/5/2021

Nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông sinh ngày 26/2/1944 tại thôn Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ông từng nhận chức danh Phó giáo sư, tiến sĩ mỹ học Ông gắn bó 30 năm với Thông tấn xã Việt Nam, rồi chuyển sang làm Tổng Biên tập Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam, sau đó đảm nhận cương vị Vụ phó, rồi Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo trung ương, Phó Tổng Biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu.

Nhà thơ Vũ Duy Thông là một gương mặt của thế hệ chống Mỹ cứu nước. Quê nhà trở thành cảm hứng để nhà thơ Vũ Duy Thông có tập thơ “Miền trung du” trình làng thi ca vào năm 1977. Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Vũ Duy Thông có 12 tác phẩm cả thơ và văn xuôi, tiêu biểu như “Những đám lá đổi màu”, “Tình yêu người thợ”, “Gió đàn”, “Trái đất không chỉ có một người”, “Chối từ cô đơn”, “Và cuộc đời sẽ cứu rỗi”… Ngoài công trình nghiên cứu “Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945-1975”, nhà thơ Vũ Duy Thông cũng dành nhiều tâm huyết để viết cho thiếu nhi qua các tác phẩm “Ai là bạn tốt”, “Cây bưởi ngây thơ và con bướm sặc sỡ”, “Chú tôm gõ mõ”, “Chiếc kẹo tàng hình”… Nhiều trang viết của nhà thơ Vũ Duy Thông được đưa vào sách giáo khoa bậc tiểu học, như bài thơ “Bè xuôi sông La” viết năm 1967.

Ông từng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Hai. Nhiều bài thơ được trao giải thưởng, chọn in trong sách giáo khoa, tuyển tập… Trong đó, bài thơ “Bè xuôi sông La” đoạt Giải thưởng cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969, là giải thưởng thơ danh giá vào thời điểm đó.

Vào hồi 13 giờ 5 phút ngày 28/5/2021, nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội sau thời gian lâm bệnh nặng. Tang lễ của nhà thơ, nhà báo Vũ Duy Thông được tổ chức vào lúc 11 giờ 30 đến 12 giờ 45 thứ Năm, ngày 3/6/2021 tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.