Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Long kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng và nền khoa học nước nhà, là một tấm gương sáng, mẫu mực, giàu nghị lực, giản dị, trung thực, thẳng thắn.

Sáng 13/9, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 - 13/9/2023).

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; ông Trương Hoà Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Trần Văn Rón, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành uỷ TP HCM; cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành ĐBSCL; Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân gia đình Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

1 trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913, tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) trong một gia đình nhà giáo giàu tinh thần yêu nước, lòng nhân ái. 

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa: Nhà khoa học - quân sự tài năng.
Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa: Nhà khoa học - quân sự tài năng.

Ngay từ nhỏ, Phạm Quang Lễ đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học. Khi lên 5 tuổi, học ở trường làng, Phạm Quang Lễ đã học rất giỏi. Sau khi lấy bằng Sơ học yếu lược, năm 1926, Phạm Quang Lễ thi đỗ vào Trường trung học Co le Mỹ Tho (nay là Trường trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu) với số điểm rất cao, được nhận học bổng. Năm 1935, được sự giúp đỡ của ông Vương Quang Ngươu một nhà báo yêu nước, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học và thi đỗ vào Trường Đại học Quốc gia Cầu đường Paris. 

Năm 1946, Kỹ sư Phạm Quang Lễ và một số nhà trí thức yêu nước được gặp Bác Hồ và cùng với Bác Hồ cặp bến Ngự - Hải Phòng về nước tham gia kháng chiến chống Pháp. Trân trọng tấm lòng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn và đặt tên mới cho Phạm Quang Lễ là Trần Đại Nghĩa và giao nhiệm vụ làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới.

Tiết mục nghệ thuật Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa.
Tiết mục nghệ thuật Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Kỹ sư Trần Đại Nghĩa lên chiến khu Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo sản xuất các loại vũ khí như: lựu đạn, súng phóng lựu đạn, cối 80,8mm, Ba-dô-ca, SKZ…

Năm 1948, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đã trở thành 1 trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và đồng chí cũng là Thiếu tướng đầu tiên của ngành Quân giới ở tuổi 35. Năm 1949, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Ông Phật làm súng”

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa được phân công làm Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đến năm 1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Ông Bùi Văn Nghiêm - Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Ông Bùi Văn Nghiêm - Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Những cống hiến của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa đã để lại dấu ấn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. 

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, những sản phẩm của ngành Quân giới Việt Nam; đặc biệt là, súng Ba-dô-ca, đạn hỏa tiễn OF, đạn chống tăng AT, súng không giật SKZ, nghiên cứu tìm ra các giải pháp kỹ thuật khắc phục thủ đoạn gây nhiễu của địch trên rađa, giúp phát hiện rõ máy bay B-52 để điều khiển tên lửa SAM-2 bắn trúng mục tiêu... đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng B-52 của đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Với những đóng góp to lớn cho ngành Quân giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa danh hiệu “Ông Phật làm súng”.

Sáng cùng ngày, các đại biểu đã đến dâng hương kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa tại Khu lưu niệm.
Sáng cùng ngày, các đại biểu đã đến dâng hương kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa tại Khu lưu niệm.

Ngày 9/8/1997, Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa lâm bệnh và qua đời. Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Giải thưởng cao quý; đặc biệt là, Huân chương Hồ Chí Minh và giải thưởng Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Văn Nghiêm - Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết: Với 84 tuổi đời, 48 tuổi Đảng, hơn 50 năm tận tụy gắn bó với sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, nhưng cũng rất vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng chí Trần Đại Nghĩa đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến trọn đời cho ngành khoa học quân sự và có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng và nền khoa học nước nhà, là một tấm gương sáng, mẫu mực, giàu nghị lực, giản dị, trung thực, thẳng thắn, được đồng chí, đồng đội, nhân dân tin tưởng, yêu mến, được bạn bè quốc tế tin yêu và kính trọng.

"Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long luôn tự hào về người con ưu tú - Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh." - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nhấn mạnh.