Ban hành lệnh báo động 3 trên sông Phó Đáy
Lúc 1 giờ sáng 11/9, mực nước sông Phó Đáy tại Trạm đo thủy văn Kim Xá đã lên đến mức +16,00m mức báo động 3 và có khả năng tiếp tục lên do lượng nước ở thượng lưu dồn về. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Vĩnh Phúc đã ra lệnh báo động 3 trên sông Phó Đáy cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Lập Thạch; Tam Dương; Vĩnh Tường; Tam Đảo.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các địa phương triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư đảm bảo an toàn hệ thống đê điều theo báo động 3 đúng quy định.
Tổ chức lực lượng, thực hiện công tác tuần tra, canh gác đê theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 của Bộ NN&PTNT về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những hư hỏng của đê, kè, cống; nhất là các cống dưới đê và các trọng điểm xung yếu đê điều.
Bảo đảm thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra; thường xuyên cập nhật, gửi báo cáo sự cố công trình đê điều về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc.
2 người thiệt mạng và mất tích do lật thuyền
Sáng 11/9, trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Long Biên - Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch cho biết, tình hình mưa lũ vẫn rất phức tạp, trên địa bàn huyện có những khu dân cư nước lũ dâng cao, chia cắt và cô lập, đặc biệt là tại xã Sơn Đông, 12 thôn trên địa bàn xã đã bị nước lũ cô lập hoàn toàn.
“Từ ngày 9/9 nước lũ trên sông Phó Đáy không ngừng dâng cao, đe dọa an toàn đến tính mạng và tài sản của nhân dân thuộc vùng ảnh hưởng. Tại xã Sơn Đông, nước đã ngập sâu hàng mét vào nhà dân, giao thông đi lại hết sức khó khăn, bốn bề mênh mông nước, địa phương đã bị cô lập nên việc di chuyển chỉ có thể thực hiện bằng thuyền.
Suốt cả đêm qua lực lượng chức năng tại địa phương đã túc trực hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. Đến sáng 11/9 lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động người và phương tiện vật tư, ưu tiên làm nhiệm vụ cứu hộ, di tản người dân và tài sản khỏi vùng nguy hiểm” - ông Hoàng Long Biên cho biết.
Thông tin từ lãnh đạo UBND huyện Lập Thạch cũng cho biết, trên địa bàn xã Sơn Đông đã có những nạn nhân thiệt mạng do nước lũ. Cụ thể, tai nạn xảy ra vào khoảng 19 giờ ngày 10/9, bà Lê Thị H cùng con gái là L.T.C (SN 2006, ở thôn Đông Thịnh, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch) bơi thuyền từ thôn Đông Thịnh sang thôn Lũng Hòa, xã Sơn Đông để đón con trai là L.V.H (SN 1999) đi làm về.
Do trời tối, nước chảy xiết làm thuyền bị lật khiến cả 3 người bị nước lũ cuốn trôi. Huyện Lập Thạch và xã Sơn Đông đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện đến khu vực xảy ra sự việc để cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, chỉ có bà Lê Thị H được cứu sống. Nạn nhân L.T.C tử vong đã tìm thấy thi thể, còn nạn nhân L.V.H bị nước lũ cuốn mất tích.
Ngay sáng 11/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường ,Yên Lạc, Tam Dương thực hiện việc đảm bảo an toàn hạ du theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi vận hành các hồ thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình); thủy điện Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang).
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các địa phương trên tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn và điều chỉnh các hoạt động phù hợp.
Không để người dân đến những nơi sạt lở, công trình đang thi công, tránh thiệt hại đáng tiếc. Báo cáo kịp thời mọi diễn biến bất thường về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc qua số điện thoại và email của Văn phòng thường trực.