Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: Cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối diện với nhiều khó khăn thách thức trong thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội, nhưng môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc vẫn tiếp tục được quan tâm, chú trọng cải thiện.

Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư

Thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong 9 tháng đầu của năm 2023 và 3 tháng cuối năm, môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc tiếp tục được quan tâm, chú trọng cải thiện, nhằm xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo ra môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Các chỉ số thành phần thuộc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được giao cụ thể cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm để nâng cao. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được chuyển đến quan nhà nước, chuyển đến Chủ tịch UBND tỉnh thông qua Tổ giúp việc đã được tiếp nhận và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các sở, ngành đã tổ chức nhiều hội nghị để tiếp nhận thông tin, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Hội đàm và lễ ký kết bản ghi nhớ giữa HĐND tỉnh Vĩnh Phúc và HĐND tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc diễn ra ngày 30/5/2023. Ảnh minh họa Lương Giang. 
Hội đàm và lễ ký kết bản ghi nhớ giữa HĐND tỉnh Vĩnh Phúc và HĐND tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc diễn ra ngày 30/5/2023. Ảnh minh họa Lương Giang. 

Trong 9 tháng của năm 2023, các hoạt động xúc tiến đầu tư được tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh, trong đó có thể kể đến: Tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ với nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ; tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản;

Tiếp đón và làm việc với hàng chục đoàn các nhà đầu tư từ các nước đến thăm, tìm hiểu môi trường của tỉnh (Hiệp hội DN Ấn Độ tại Việt Nam; Hội đồng tỉnh Chungcheongbuk – Hàn Quốc; Ngân hàng Thế giới WB; Đại học Pyeongtaek Hàn Quốc; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; Chủ tịch Tập đoàn Sunny Group; Các nhà đầu tư thành phố Seongnam, Hàn Quốc; Công ty West Point Hospital – Singapore…)

Nhiều kết quả quan trọng

Qua tìm hiểu, PV báo Kinh tế & Đô thị được biết, tính đến hết tháng 9 năm 2023, số vốn FDI (vốn đầu tư từ nước ngoài) tại tỉnh Vĩnh Phúc tăng cao so với cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch năm đề ra. Trong khi đó, số vốn DDI (vốn đầu tư trong nước) cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và vượt gấp bốn lần so với kế hoạch năm.

Cụ thể, Vĩnh Phúc đã thu hút đầu tư đạt hơn 491 triệu USD vốn đầu tư FDI, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 67,7% và đạt 122,8% kế hoạch. Trong đó, cấp mới cho 24 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 253,22 triệu USD và tăng vốn cho 35 lượt dự án với tổng vốn tăng gần 237,9 triệu USD.

Đồng thời, địa phương này cũng đã thu hút đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng vốn DDI, đạt 206,7% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 4,05 lần so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, cấp chủ trương đầu tư mới cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 3,94 nghìn tỷ đồng và tăng vốn cho 12 lượt dự án với tổng vốn tăng là 16,3 nghìn tỷ đồng.

Khởi công Khu Công nghiệp Sông Lô II sáng 25/6. Ảnh minh họa Sỹ Hào. 
Khởi công Khu Công nghiệp Sông Lô II sáng 25/6. Ảnh minh họa Sỹ Hào. 

Trong 9 tháng đầu năm một số dự án đầu tư lớn hoàn thành, đi vào hoạt động như: Dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BHFLEX VINA 1 với tổng mức đầu tư 816 tỷ đồng; Dự án công nghiệp TYC Việt Nam với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng; AEON MOTOR VIETNAM CO., LTD với tổng mức đầu tư 564 tỷ đồng; Dự án gia công khay, hộp phục vụ ngành công nghiệp, thương mại điện tử với tổng mức đầu tư 840 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Sơn Lôi với tổng mức đầu tư 1.864 tỷ đồng…

Tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển

Tính đến trung tuần tháng 9/2023, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.110 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 13,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,11% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp tham gia, quay trở lại thị trường là 296 doanh nghiệp (cùng kỳ năm 2022 là 340 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh là 635 doanh nghiệp, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước và số doanh nghiệp đã hoàn tất việc giải thể là 106 doanh nghiệp tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.

Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới phát triển doanh nghiệp nhà nước cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022. 2025; báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến việc sáp nhập 04 Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi và triển khai các nhiệm vụ đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn theo thẩm quyền.

Đối với khu vực kinh tế tập thể, UBND tỉnh cũng đã trình HĐND ban hành Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 05/5/2023 về một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

Sáng 30/8 công trình cầu Vĩnh Phú được khánh thành tạo thuận lợi cho thông thương kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ảnh minh họa Sỹ Hào. 
Sáng 30/8 công trình cầu Vĩnh Phú được khánh thành tạo thuận lợi cho thông thương kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ảnh minh họa Sỹ Hào. 

Ngay từ cuối năm 2022 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho các chủ đầu tư, các huyện, các xã; thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của dự án để điều chỉnh, phù hợp tăng khả năng giải ngân vốn đầu tư cho dự án; chỉ đạo các huyện xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng và lộ trình tháo gỡ các vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng.

Vĩnh Phúc đã thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và phân công cụ thể các đồng chí Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư của các dự án trọng điểm; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công theo quy định...

Với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, đến hết tháng 9/2023 toàn tỉnh đã giao chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 hơn 11 nghìn tỷ đồng, giải ngân ước đạt trên 5,6 nghìn tỷ đồng, bằng 73,6% so với kế hoạch vốn Trung ương giao. Tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu của năm 2023 đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (38,8%); cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (đạt 39,6%) và xếp thứ 12/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao.