Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: Đạt thành tích xuất sắc ở Liên hoan các Di sản văn hóa Unesco

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vĩnh Phúc là địa phương được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng bằng khen vì các thành tích xuất sắc tại Liên hoan trình diễn và trưng bày không gian Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, tổ chức tại tỉnh Phú Thọ.

Tiết mục  thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của tỉnh Vĩnh Phúc trình diễn tại Liên hoan các Di sản văn hóa phi vật thể UNESCO  vinh danh. 
Tiết mục  thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của tỉnh Vĩnh Phúc trình diễn tại Liên hoan các Di sản văn hóa phi vật thể UNESCO  vinh danh. 

“Bảo tàng sống” lưu giữ bản sắc văn hóa, lịch sử người Việt
Sáng 25/4, trao đổi với PV báo Kinh tế và Đô thị, ông Mai Văn Trung, Giám đốc Bảo tàng Vĩnh Phúc cho biết: Các tiết mục đại diện của tỉnh Vĩnh Phúc tham gia Liên hoan trình diễn và trưng bày không gian các Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh (tổ chức tại tỉnh Phú Thọ) được Ban Tổ chức và Nhân dân đánh giá cao. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Phú Thọ đã tặng bằng khen cho địa phương này vì các thành tích xuất sắc tại liên hoan.

Cụ thể, trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ 2023, vào các tối từ 22 - 24/4/2023, tại quảng trường Hùng Vương, Thành phố Việt Trì. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Liên hoan trình diễn, trưng bày không gian các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh.

“Liên hoan có sự tham gia của các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đắc Lắc, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là những địa phương có các di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO vinh danh.” – ông Mai Văn Trung cho biết.

Lãnh đạo Bảo tàng Vĩnh Phúc cho biết thêm, tham gia Liên hoan trình diễn, trưng bày không gian các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Phú Thọ năm 2023, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các đơn vị mang đến liên hoan trình diễn các thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Trò chơi kéo Song Hương Canh ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Bên cạnh đó là không gian trưng bày giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển, công tác bảo vệ và phát huy giá trị của hai di sản văn hoá phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Nghi lễ, trò chơi kéo co trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

“Các thực hành của Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12 năm 2016. Di sản văn hóa phi vật thể này được coi là “bảo tàng sống” lưu giữ bản sắc văn hóa, lịch sử của người Việt, có sự phân bố và lan tỏa ở nhiều địa phương trong cả nước như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc…”, ông Mai Văn Trung chia sẻ.

Tại Vĩnh Phúc, các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được hình thành từ lâu, có sự phân bố hầu khắp các huyện, thành trong tỉnh, sự kết hợp và giao thoa của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với các tín ngưỡng thờ Mẫu ở Vĩnh Phúc tạo sự hội tụ và lan tỏa, đồng thời có những ảnh hưởng trong đời sống văn hoá tinh thần, tâm linh của nhân dân.

Dấu vết chiến công rực rỡ trong trò chơi dân gian đặc sắc

Đối với Nghi lễ và trò chơi kéo co do 4 nước, gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia, Philippines cùng xây dựng và đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2015. Ở Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, nơi được xem là vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước.

Nghi lễ trò chơi Kéo song Hương Canh đến từ Vĩnh Phúc đã được  Ban Tổ chức và người dân đánh giá cao tại Liên hoan. 
Nghi lễ trò chơi Kéo song Hương Canh đến từ Vĩnh Phúc đã được  Ban Tổ chức và người dân đánh giá cao tại Liên hoan. 

Tại Vĩnh Phúc, nghi lễ và trò chơi kéo co được tổ chức dưới nhiều hình thức trên địa bàn tỉnh. Nhưng điển hình và mang đặc trưng, bản sắc của địa phương là Kéo song Hương Canh (Bình Xuyên) và Kéo co Hoà Loan (Vĩnh Tường).

Kéo song Hương Canh được tổ chức nhằm biểu dương tinh thần thượng võ của người dân vùng sông nước. Trò chơi bắt nguồn từ chiến thuật thao lược, luyện thủy quân của các tướng lĩnh thời kỳ chống quân Nam Hán. Đây là chiến thuật sử dụng dây song kéo điều chỉnh tốc độ chiến thuyền cho phù hợp với thời gian lên xuống của thủy triều trên sông Cánh. Kỹ năng điều chỉnh này được xem là chiến thuật giúp đại quân Ngô Quyền chiến thắng trong trận thủy chiến với quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.

Các trình diễn thực hành đã được Ban tổ chức và nhân dân đánh giá cao. Kết thúc Liên hoan, đoàn Vĩnh Phúc được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen đơn vị có thành tích xuất sắc.