Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: Độc đáo Lễ hội Đúc Bụt “cướp chiếu” cầu may

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/2 (mùng 8 tháng Giêng) Lễ hội Đúc Bụt (Lễ hội Cướp chiếu) đã khai mạc tại cụm di tích Đình cả Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương. Đây là lễ hội cổ xưa và độc đáo, thu hút sự hàng nghìn cư dân địa phương, và du khách thập phương tham dự.

Lễ hội Đúc Bụt diễn ra trong 2 ngày 8 và 9 tháng Giêng với nhiều tích trò dân gian đặc sắc, thu hút hàng nghìn du khách tham dự. Ảnh Lương Giang.
Lễ hội Đúc Bụt diễn ra trong 2 ngày 8 và 9 tháng Giêng với nhiều tích trò dân gian đặc sắc, thu hút hàng nghìn du khách tham dự. Ảnh Lương Giang.

Tại khu vực di tích Đình cả Phù Liễn, ngay từ sáng sớm cả nghìn người đã tập trung về tham dự lễ hội Đúc Bụt (còn gọi là Lễ hội Cướp chiếu). Nhiều du khách đến với lễ hội bày tỏ mong muốn sẽ tham gia tiết mục “cướp chiếu”, với ước vọng và niềm tin rằng mảnh chiếu họ giành được từ lễ hội này sẽ giúp gia đình họ trong năm sẽ sinh con trai nối dõi.  

Hiện tại du khách đến dự Lễ hội Đúc Bụt sẽ được Ban tổ chức "tản chiếu phát lộc" thay cho việc "cướp chiếu" như trước kia. Ảnh Lương Giang. 
Hiện tại du khách đến dự Lễ hội Đúc Bụt sẽ được Ban tổ chức "tản chiếu phát lộc" thay cho việc "cướp chiếu" như trước kia. Ảnh Lương Giang. 

Ban Tổ chức cho biết, Lễ hội Đúc Bụt diễn ra hằng năm vào 2 ngày: Mùng 8 và mùng 9 tháng Giêng, trong đó chính hội vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Lễ hội này thực chất là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian có từ lâu đời, nhằm ôn lại quá trình chiêu mộ nghĩa sĩ, tập hợp lực lượng, rèn đúc vũ khí của Ngọc Kinh công chúa - một nữ tướng tài ba, trí dũng vẹn toàn của Hai Bà Trưng.

Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Ngọc Kinh công chúa đã hưởng ứng, và được Hai Bà cử về thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương mộ quân, rèn đúc vũ khí, chuẩn bị lực lượng. Tại đây, bà đã náu mình là một ni sư, tu tập tại chùa Phù Liễn, dạy cho dân biết làm sĩ, nông, công, thương. Bà đã dần xây dựng được lực lượng đông đảo, bao gồm những người dân Phù Liễn và các vùng xung quanh, cùng với 65 quận thành trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng giành độc lập.

Để tưởng nhớ công lao của Ngọc Kinh công chúa, nhân dân làng Phù Liễn đã lập đền thờ, gọi là đền thờ Đức Bà. Tại lễ hội, các tích trò sĩ, nông, công, thương cũng được diễn lại rất đầy đủ, sinh động và gần gũi với đời sống người dân.

Điều đặc sắc và độc đáo của Lê hội Đúc Bụt là mỗi năm Ban Tổ chức cùng dân làng lựa chọn ba thanh niên (từ các gia đình có đủ con trai, con gái, sống hòa thuận, được hàng xóm mến phục) đóng trong vai bụt.

Năm Giáp Thìn 2024 các “bụt” được lựa chọn gồm: Nguyễn Khương Duy (13 tuổi); Nguyễn Quang Trường (23 tuổi); và Nguyễn Xuân Vinh (15 tuổi). Sau khi làm lễ, ba người này được bảo vệ chặt chẽ, đưa ra tắm tại giếng cổ của làng và đắp bùn... Trước khi hoàn tất việc chuẩn bị để trình Thánh, các “bụt” tiếp tục được tắm rửa sạch sẽ, đưa về đền và chụp chiếu cói lên đầu với bó mạ non.

Sau khi làm lễ trình Thánh diễn trò Đúc Bụt với 3 thanh niên làm Bụt trình Thánh, chủ tế và 16 quan viên tiến hành lấy những chiếu khỏi 3 ông bụt, tung ra ngoài để “tản chiếu phát lộc”.

Trước kia, quan niệm dân gian cho rằng, người nào “cướp” được manh chiếu cói dùng chụp lên người các “bụt” thì trong năm mới sẽ sinh con trai. Do vậy, rất nhiều người đã hào hững tham gia “cướp chiếu” với hi vọng may mắn tìm đến. Việc "cướp chiếu" như trước kia cũng được cho rằng tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn cho người tham dự.  

Do tục “cướp chiếu” đã không còn phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn nên từ năm 2020, Ban tổ chức Lễ hội Đúc Bụt đã xây dựng phương án tổ chức đổi mới, văn minh, lành mạnh, chuyển từ “cướp chiếu” sang “tản chiếu phát lộc”.

Cụ thể, theo phương án tổ chức mới đã được áp dụng những năm gần đây, ba chiếc chiếu được giữ lại trong hậu cung, chỉ được úp lên đầu “ông Bụt” khi làm lễ trong đền. Sau đó những chiếc chiếu này được gỡ ra từng sợi, đưa vào “bao bì lộc” được thiết kế đẹp mắt, trang trọng với lời chúc “Phúc - Lộc - Thọ” và phát lộc cho những người đi hội.