Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: dồn lực đầu tư các công trình tạo điểm nhấn phát triển du lịch

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vĩnh Phúc đã và đang tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm tạo điểm nhấn phục vụ cho phát triển du lịch, với tổng vốn các công trình trọng điểm là 2.193 tỷ đồng, chiếm 93,1% vốn ngân sách tỉnh đầu tư vào du lịch.

Tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương dồn lực đầu tư các công trình trọng điểm, tạo điểm nhấn phát triển du lịch. Ảnh minh họa: Sỹ Hào
Tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương dồn lực đầu tư các công trình trọng điểm, tạo điểm nhấn phát triển du lịch. Ảnh minh họa: Sỹ Hào

Dồn lực cho các công trình trọng điểm, tạo điểm nhấn

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng; thị trường dịch vụ du lịch giảm; giá cả các nguyên liệu vật tư không ổn định. Nhu cầu vốn để xây dựng các công trình hạ tầng du lịch đòi hỏi lớn nhưng nguồn vốn dành cho đầu tư công còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Trong giai đoạn 2017 - 2023, tổng số vốn ngân sách Nhà nước được tỉnh Vĩnh Phúc dành đầu tư cho lĩnh vực du lịch là 2.285 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng trong khu du lịch là 159,1 tỷ đồng (chiếm 6,9% vốn đầu tư toàn tỉnh vào du lịch). Vĩnh Phúc tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm tạo điểm nhấn phục vụ cho phát triển du lịch với tổng vốn các công trình trọng điểm là 2.193 tỷ đồng, chiếm 93,1% vốn ngân sách tỉnh đầu tư vào du lịch.

Thị trấn Tam Đảo được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh "Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới "năm 2022. Ảnh: Sỹ Hào  
Thị trấn Tam Đảo được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh "Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới "năm 2022. Ảnh: Sỹ Hào  

Để tạo bước đột phá phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong những năm qua tỉnh luôn chú trọng nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn đầu tư công, các dự án tập trung chủ yếu vào các hạng mục công trình như đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp, thoát nước...

Dần khẳng định thương hiệu về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh

Bên cạnh đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động trong công tác lập quy hoạch chi tiết các khu vực có tiềm năng lợi thế du lịch; chủ động dành quỹ đất cho các dự án đầu tư du lịch.

Hiện có 17 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng đã và đang được triển khai tại Vĩnh Phúc.

Các dự án tiêu biểu bao gồm: Dự án Flamingo Đại Lải, đạt tiêu chuẩn 5 sao với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.630,46 tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2 là 3.560,81 tỷ đồng), giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động; Dự án Tam Đảo II của Tập Đoàn SunGroup với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2.987 tỷ đồng; Dự án FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc (giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động, tổng mức đầu tư đã thực hiện khoảng 600 tỷ đồng); Dự án cáp treo Tây Thiên của Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng, vốn đầu tư là 245 tỷ đồng (đã đi vào hoạt động)...

Tỉnh Vĩnh Phúc đang dần khẳng định được thế mạnh trong du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh minh họa: Sỹ Hào
Tỉnh Vĩnh Phúc đang dần khẳng định được thế mạnh trong du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh minh họa: Sỹ Hào

Trong giai đoạn 2017-2023, toàn tỉnh có khoảng 36 dự án DDI (vốn trong nước) đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn cam kết là 20.612 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện 11.336 tỷ đồng, đạt 55% số vốn cam kết đề ra.

Vĩnh Phúc đang tích cực vận động, thực hiện các các giải pháp để thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các khu đô thị kết hợp với du lịch, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí có quy mô lớn với giá trị đầu tư cam kết của nhà các nhà đầu tư như: Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường với số vốn cam kết 1,1 tỷ USD; Dự án Tam Đảo II khoảng 1 tỷ USD; Dự án trường đua ngựa quốc tế với quy mô vốn đầu tư khoảng 1,44 tỷ USD… Đây là các dự án sẽ có tác động mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về du lịch của cả nước.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, ngành du lịch địa phương cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh bằng việc ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch làm nền tảng vững chắc, tạo động lực để xây dựng phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hệ thống các văn bản đã có sự triển khai đồng bộ đến các cấp, các ngành và từng địa phương. Công tác quản lý, hướng dẫn về văn hóa, du lịch, dịch vụ được thực hiện chặt chẽ, bước đầu tạo được thương hiệu cho tỉnh về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh tại các khu du lịch trọng điểm như Đại Lải, Tam Đảo, Tây Thiên, Vĩnh Yên…