Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: Giảm 15 đơn vị hành chính sau khi sắp xếp sáp nhập

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản gửi Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn (Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch, Phúc Yên) yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Phương án giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đối tượng lấy ý kiến gồm cử tri tại các xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp, sáp nhập. UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu, tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến cử tri đăng tải trên cổng thông tin điện tử UBND tỉnh, trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện, cấp xã và niêm yết tại trụ sở UBND xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp, sáp nhập…

Việc lấy ý kiến được thực hiện theo đơn vị cấp xã, UBND cấp huyện chỉ đạo UBND xã lấy ý kiến cử tri theo từng thôn, tổ dân phố, cần chú trọng đến công tác tuyên tuyền, vận động, tạo sự đồng thuận của cử tri.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao trách nhiệm cho Sở Nội vụ hoàn thành các quy trình, thủ tục liên quan trình cấp có thẩm quyền thông qua hồ sơ, Đề án của tỉnh Vĩnh Phúc gửi Bộ Nội vụ trước ngày 30/4.

Được biết, thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023- 2025, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến sắp xếp 28 (trong tổng số 136 đơn vị hành chính cấp xã) để thành lập 13 đơn vị hành chính cấp xã mới. Đối với cấp huyện, tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 7 huyện, 2 thành phố, không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp.

Cụ thể, tại huyện Vĩnh Tường, dự kiến sáp nhập xã Tân Tiến và xã Đại Đồng thành xã mới mang tên Đồng Tiến; sáp nhập xã Lý Nhân và xã An Tường thành xã Lý An; sáp nhập xã Vân Xuân và xã Bình Dương thành xã Lương Điền;

Dự kiến, sáp nhập xã Vĩnh Ninh với xã Phú Đa thành xã mới Vĩnh Phú; sáp nhập 3 xã Việt Xuân, Bồ Sao, Cao Đại thành xã mới Mộ Chu; sáp nhập xã Vĩnh Sơn vào thị trấn Thổ Tang, mang tên thị trấn Thổ Tang; xã Tam Phúc sáp nhập vào Thị trấn Vĩnh Tường, mang tên thị trấn Vĩnh Tường.

Chiều 27/3, Huyện ủy Vĩnh Tường đã tổ chức hội nghị BCĐ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã huyện Vĩnh Tường giai đoạn 2023-2025. Ảnh minh họa Lương Giang. 
Chiều 27/3, Huyện ủy Vĩnh Tường đã tổ chức hội nghị BCĐ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã huyện Vĩnh Tường giai đoạn 2023-2025. Ảnh minh họa Lương Giang. 

Tại huyện Yên Lạc sáp nhập xã Hồng Châu và xã Hồng Phương thành xã mới mang tên Hồng Châu. Tại huyện Sông Lô sáp nhập xã Bạch Lưu và Hải Lựu thành xã Hải Lựu; sáp nhập xã Nhạo Sơn, xã Như Thụy vào thị trấn Tam Sơn thành đơn vị hành chính mới là thị trấn Tam Sơn.

Huyện Lập Thạch sáp nhập xã Đình Chu và xã Triệu Đề thành xã Tây Sơn. Huyện Tam Dương sáp nhập xã Vân Hội và Hợp Thịnh thành xã Hội Thịnh.

Thành phố Phúc Yên sáp nhập phường Trưng Trắc và phường Trưng Nhị thành phường mới tên là Hai Bà Trưng.

Sau khi thực hiện xong phương án sắp xếp, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã, chỉ còn lại 121 đơn vị hành chính cấp xã (88 xã, 15 phường và 18 thị trấn), so với thời điểm chưa sắp xếp.

Về phương án bố trí sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp?

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Vĩnh Phúc được cho là cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển. Các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp đều có diện tích tự nhiên khá nhỏ.

Trao đổi với PV Kinh tế và Đô thị về vấn đề trên, ông Lê Văn Tiện, Trưởng phòng Xây dựng Chính quyền Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Nội vụ đã ban hành phương án sắp xếp theo quy định, trình trung ương thẩm định. Phương án được Bộ Nội vụ xem xét và có ý kiến, địa phương cũng đã thực hiện giải trình theo quy định, và yêu cầu của Bộ Nội vụ.

Thực tế cho thấy, vấn đề bố trí sắp xếp cán bộ công chức dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cũng khiến dư luận quan tâm. Đối với nội dung này, ông Lê Văn Tiện, Trưởng phòng Xây dựng Chính quyền Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Việc bố trí sắp xếp cán bộ công chức dôi dư sau sáp nhập thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 12 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tùy từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ” - ông Lê Văn Tiện viện dẫn. 

Cũng theo lãnh đạo phòng Xây dựng Chính quyền, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc, việc bố trí sắp xếp cán bộ dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện. Trong trường hợp cá nhân có nguyện vọng nghỉ công tác, thì ưu tiên xem xét giải quyết theo nguyện vọng cá nhân.

Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã triển khai tổng hợp ý kiến cử tri theo quy định. Công tác triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã triển khai tại Vĩnh Phúc đang diễn ra bình thường, Sở Nội vụ chưa nhận được ý kiến báo cáo về những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.