Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt 30.468 tỷ đồng

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, với 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,52% so với năm 2023, cao hơn bình quân cả nước.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn bình quân cả nước

Ngày 6/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 35, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, việc triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính.

Đồng thời, tập trung hoàn thiện Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030; Đề án công tác nhân sự để báo cáo Trung ương trong quý I/2025 và hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Quán triệt tinh thần Hội nghị lần thứ 35, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An nhấn mạnh, đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng. Từ nay đến cuối năm còn rất nhiều công việc phải làm, do vậy, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tích cực, khẩn trương hoàn thành tốt các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương và hoàn thành các nhiệm vụ mới Trung ương giao.

Theo báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2024 địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, với 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,52% so với năm 2023, cao hơn bình quân chung cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 10,77%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,53%; ngành dịch vụ tăng 7,67%.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt 30.468 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 96% so với dự toán. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 600 triệu USD, tăng 50% so với kế hoạch; vốn đầu tư trong nước (DDI) thu hút 5.500 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra; giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 96%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển; công tác an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh quốc phòng được giữ vững.

Năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu GRDP tăng từ 8,0 - 9,0%; tổng thu ngân Nhà nước đạt 27.026 tỷ đồng; thu hút thêm 600 triệu USD vốn FDI, 3.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ các dự án DDI. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%...

Cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội

Để đạt được các mục tiêu trong năm tới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng 4 phương án tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm khơi thông các nguồn lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Cụ thể, tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động, việc làm. Tổ chức sắp xếp các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Các đại biểu tham dự Đại hội cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025; báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, nhất là về phương án tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8,0 - 9,0%.

Đồng thời, đề nghị tỉnh đánh giá rõ những khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025; có giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu hụt đất đắp nền cho các công trình, dự án; giải pháp thu hút đầu tư các dự án lớn về phát triển du lịch; nâng cấp, bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn hóa; nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch.

Đề nghị ưu tiên nguồn lực đầu tư trang thiết bị y tế cho các trung tâm y tế huyện, trạm y tế các xã để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân. Tăng cường đào tạo, tuyển dụng viên chức y tế cho khối khám chữa bệnh, điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên. Tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng khu du lịch, hệ thống xử lý rác thải, cấp nước sạch, bãi đỗ xe cho Khu du lịch quốc gia Tam Đảo.