Tình hình lao động tại các doanh nghiệp cơ bản ổn định
Cục Thống kê Vĩnh Phúc cho biết, năm 2024, tình hình kinh tế tại địa phương có sự phục hồi và phát triển, thị trường lao động việc làm có nhiều khởi sắc.
Về cơ cấu, lao động khu vực thành thị chiếm 32,9% (202,7 nghìn người) và nông thôn chiếm 67,23% (416 nghìn người). Xét theo giới tính, lực lượng lao động 15 tuổi trở lên là nam giới chiếm 51,41%.
Số lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trên toàn tỉnh ước tính quý IV/2024 khoảng 605,6 nghìn người, tăng 3,78 % so với quý trước, chiếm 97,87% lực lượng lao động.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước tính khoảng 1,74%, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy số lượng doanh nghiệp có tỷ lệ lao động giảm chiếm nhiều hơn so với số lượng doanh nghiệp có tỷ lệ lao động tăng. Cụ thể, có 22,6% doanh nghiệp đánh giá có số lao động quý IV/2024 tăng so với quý III, so với 24,5% doanh nghiệp có số lao động giảm.
Theo Cục Thống kê Vĩnh Phúc, năm 2024, ước tính toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 23.083 lao động, tăng 11,3% so với năm 2023; vượt 35,8 % kế hoạch năm.
Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội
Năm 2024, công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được thực hiện hiệu quả với việc chính sách trợ giúp xã hội được mở rộng đối tượng, tăng mức hưởng. Hệ thống cơ sở trợ giúp đồng bộ, tạo lưới an toàn xã hội bao phủ nhiều đối tượng.
Công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em chuyển biến tích cực, đảm bảo quyền sống, học tập, vui chơi, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần . Năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 44 nghìn người đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng. Số tiền trợ cấp trong năm cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP là hơn 346 tỷ đồng (trong đó, trợ cấp hàng tháng là 345 tỷ 310 triệu đồng, trợ cấp đột xuất là 793,6 triệu đồng).
Công tác giảm nghèo tiếp tục được triển khai đồng bộ, kịp thời. Năm 2024, toàn tỉnh đã chi 62 tỷ 435,1 triệu đồng hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Tính đến đầu tháng 12/2024, số đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách hiện đang được vay vốn là hơn 112 nghìn khách hàng với tổng số dư nợ hơn 5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đối tượng hộ nghèo hiện được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 78/2002 là 2.495 hộ, số dư nợ 180.826,71 triệu đồng; cho vay đối với hộ cận nghèo theo Quyết định 15/2013 là 4.969 hộ, số dư nợ 366.739,9 triệu đồng; cho vay hộ dân tộc thiểu số theo Quyết định 2085/2016 là 52 hộ, số dư nợ 3.286,7 triệu đồng.
Vĩnh Phúc cũng triển khai thực hiện tốt việc giải quyết chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân người có công theo đúng quy trình về thủ tục hành chính.
Hiện nay, tổng số đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng trên địa bàn tỉnh khoảng trên 17 nghìn người. Năm 2024, số tiền trợ cấp cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng là hơn 534 tỷ đồng. Trong đó, trợ cấp hàng tháng khoảng 474 tỷ 621,5 triệu đồng, trợ cấp đột xuất 59 tỷ 797,5 triệu đồng.