Hợp lực giúp phát huy thế mạnh mỗi bên
Trong thư gửi cán bộ, nhân viên sáng nay (3/12), ban lãnh đạo Vingroup giải thích tỷ lệ sở hữu trong công ty mới không còn đa số, Vingroup quyết định chuyển giao toàn bộ việc điều hành chuỗi VinMart, VinMart+ và Công ty VinEco sang cho Tập đoàn Masan.
Theo nội dung thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Trước đó, dù Tập đoàn SK (Hàn Quốc) muốn rót 1 tỷ USD vào VinCommerce nhưng Công ty CP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (công ty mẹ của VinCommerce) vẫn quyết định bắt tay với Masan.
VinCommerce hiện có vốn điều lệ 6.436 tỷ đồng, sở hữu chuỗi Vinmart và Vinmart+. Trong khi VinEco vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, là công ty nông nghiệp áp dụng công nghệ vào sản xuất với sở hữu 15 nông trường trên cả nước. Tuy là nhà bán lẻ có số điểm bán lớn nhất thị trường Việt Nam, nhưng hoạt động kinh doanh này của Vingroup đến nay vẫn chưa đạt điểm hòa vốn.
Trong 9 tháng từ đầu năm, bán lẻ là mảng kinh doanh có doanh thu cao thứ 2 của tập đoàn với 23.571 tỷ đồng, chỉ xếp sau chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, đây lại là mảng kinh doanh thua lỗ lớn thứ 2 tại tập đoàn này với khoản lỗ 9 tháng 3.461 tỷ đồng, sau mảng sản xuất. Trước đó, nhóm các quỹ đầu tư nước ngoài, đứng đầu là Quỹ Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) đã rót 500 triệu USD để sở hữu 16% vốn Công ty VCM hồi tháng 9
Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan có vốn điều lệ 7.229 tỷ đồng. DN này cũng sở hữu mạng lưới bán lẻ với 180.000 điểm bán lẻ sản phẩm thực phẩm và 160.000 điểm bán lẻ sản phẩm đồ uống. Đại diện tập đoàn này cho biết, đây không phải thương vụ mua bán sáp nhập DN (M&A), bán mình mà là hợp lực. Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi cổ phần tại 2 công ty này với Masan. Tuy nhiên, tỷ lệ hoán đổi và giá trị thương vụ không được hai bên tiết lộ.
Theo đại diện Tập đoàn này chia sẻ, Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh, thành phố với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.
Nhiều dự định phía sau thương vụ lớn
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan Trương Công Thắng cho biết thêm: Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành sứ mệnh kiến tạo một hệ thống bán lẻ và nông nghiệp sạch hiệu quả hàng đầu Việt Nam. "Giờ đây, chúng tôi sẽ nhận lại ngọn cờ này để tiếp tục sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, đảm bảo sân chơi bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt. Đồng thời, sự gia nhập của VinCommerce và VinEco không chỉ cộng hưởng và nâng cao giá trị cho năng lực cốt lõi của Masan mà còn giúp chúng tôi nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành Tập đoàn hàng Tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới"- ông Thắng nói.
Sau khi tiếp quản, Masan Consumer Holding sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với Nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng. Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.
Trong khi đó, về phía Vingroup, giao dịch giúp tập đoàn có thể giải phóng nguồn lực cho hệ thống từ lãnh đạo đến quản trị để tập trung hết sức cho mảng công nghệ và công nghiệp, khẳng định quyết tâm trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ hàng đầu Việt Nam và có tầm vóc trên trường quốc tế.
Trước thông tin Vingroup hoán đổi cổ phần hệ thống siêu thị VinMart & VinMart+ cho Masan được công bố, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc sở hữu hệ thống Vinmart có thể còn là lời giải cho bài toán cạnh tranh trong tương lai với những "đại gia" như Amazon hay Alibaba. Trong báo cáo thường niên 2018, ban lãnh đạo Masan nhấn mạnh chiến lược tiếp theo là kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng. Định hướng của chiến lược này là triển khai cửa hàng một điểm đến "a one-stop shop" - nơi giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng, từ tài chính, thịt, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khoẻ. Với hệ thống quy mô lớn của Vinmart, thương vụ sáp nhập này có thể giúp tham vọng của Masan được đẩy nhanh hơn.
Ngay trong ngày 3/12, cổ phiếu của Masan Group (MSN) giảm sàn khi kết thúc phiên giao dịch. Cụ thể, MSN giảm 4.700 đồng, mức giảm hết biên độ 7% khiến mức giá đóng cửa là 64.200 đồng/cp. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, (kể từ ngày 23/11/2017) đối với MSN. Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup cũng giảm giá trong phần lớn phiên giao dịch này, nhưng đến cuối phiên VIC đã trụ lại thành công ở mức giá tham chiếu 115.000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch của VIC trong phiên này cũng chỉ đạt hơn 300.000 cổ phiếu. |