Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VKBIA - ĐH Đồng Tháp liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/12, Hội Chuyên gia - Tri thức Việt Nam - Hàn Quốc (VKEIA), thành viên trực thuộc Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) và Đại học Đồng Tháp đã cùng tổ chức Hội thảo Khoa học: “Phát triển Nhóm Nghiên cứu đáp ứng nhu cầu giáo dục Đại học”.

Trước đó, Lễ ký kết Hợp tác toàn diện cho chương trình liên kết giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, tay nghề cao giữa Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) và Đại học Đồng Tháp đã được thực hiện.
VKBIA và ĐH Đồng tháp ký kết biên bản hợp tác toàn diện.
Biên bản ghi nhớ này nhằm hiện thực hóa sự liên kết, hợp tác toàn diện giữa VKBIA, Công ty Cổ phần Tập đoàn VKBIA và trường Đại học Đồng Tháp. Đây là cơ hội hợp tác về giáo dục và đào tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nội dung ký kết thỏa thuận hướng đến mở rộng mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cả doanh nghiệp trong nước, phát triển các cơ hội hợp tác về giáo dục và đào tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển của Nhà trường, thúc đẩy việc phát triển và cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp theo nhu cầu thị trường lao động.
Đồng thời, VKBIA và Đại học Đồng Tháp sẽ phát triển và xây dựng hệ thống giáo dục và đào tạo phù hợp với nhu cầu các ngành, lĩnh vực công nghệ công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu cho những nhóm ngành đang phát triển mạnh mẽ và phù hợp với thực tiễn của xã hội, đồng thời có áp dụng mô hình giáo dục đào tạo, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao của Hàn Quốc.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Hải Linh - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc nhấn mạnh: “Đồng Tháp là một tỉnh có nhiều tiềm năng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, và để tiếp tục phát huy mạnh mẽ được những tiềm năng đó thì nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, đáp ứng được xã hội đang cần đến, đồng thời tận dụng thời cơ và tăng tốc đột phá trong cuộc Cách mạng 4.0, phát triển và thúc đẩy các ngành khoa học công nghệ, thương mại và dịch vụ trọng tâm, phù hợp với sự phát triển của địa phương là điều hết sức cấp thiết. Trong đó cần coi việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển đội ngũ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển kinh tế địa phương nên là những đột phá quan trọng nhất”.

 TS. Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng trường Đại học Đồng Tháp phát biểu tại lễ ký kết.
TS. Phạm Hải Định - CEO VKBIA Group, Phó Chủ tịch Hội chuyên gia Tri thức Việt Nam - Hàn Quốc cho biết: Hội Chuyên gia - Tri thức Việt Nam - Hàn Quốc (VKEIA) chúng tôi với gần 1.000 thành viên là các chuyên gia, GS, TS, ThS, CN… đã sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc và các nước phát triển khác trên thế giới, với kiến thức chuyên môn cùng mạng lưới rộng khắp, đồng thời là Hội thành viên trực thuộc Hiệp hội VKBIA.
"Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để cùng đồng hành và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng tại Việt Nam”. Việc phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học: “Phát triển Nhóm Nghiên cứu đáp ứng nhu cầu giáo dục Đại học” hôm nay là chương trình đầu tiên được thực hiện ngay sau lễ ký kết giữa VKBIA và Đại học Đồng Tháp. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình theo các nội dung cụ thể đã ký" - TS. Phạm Hải Định khẳng định.

TS. Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng trường Đại học Đồng Tháp hy vọng việc hợp tác giữa VKBIA và Đại học Đồng Tháp sẽ mang lại những hiệu quả hết sức thiết thực cho việc phát triển giữa các bên, đồng thời góp phần cho việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng trong thời gian tới. Ông cho rằng, đây sẽ là tiền đề lớn để Đại học Đồng Tháp tăng cường áp dụng những mô hình đào tạo, giáo dục từ các nước phát triển trên thế giới với Việt Nam, thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển ngày càng phát triển, tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ phát triển nhân lực cho Đồng Tháp, phát triển cụm Đồng bằng Sông Cửu Long trong quá trình hội nhập toàn cầu.